Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực trạng thuốc nhái và nỗi lo sức khỏe người tiêu dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vậy phải bảo vệ “vốn quý” ấy ra sao khi người tiêu dùng hiện nay đang lạc vào mê hồn trận hàng ngàn loại thuốc na ná nhau, từ tên gọi tới hình thức trên thị trường như anh em sinh đôi?

Thuốc nhái tràn ngập thị trường
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên quy mô toàn cầu, thiệt hại của các hãng dược phẩm vì hoạt động của tội phạm liên quan đến thuốc nhái, thuốc giả là 32 tỉ USD mỗi năm. Thuốc giả phổ biến nhất ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Tại một vài nước trong khu vực này, khoảng 10% số thuốc đang được bày bán là hàng nhái. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia đang phải đối phó với vấn nạn thuốc nhái.
 Mẫu bao bì mới của Panadol
Bị nhái nhiều nhất là các loại thuốc thông dụng và bán chạy của những nhãn hiệu nổi tiếng như: thuốc giảm đau và hạ sốt Panadol của GlaxoSmithKline, thuốc ho Théralène của Aventis, thuốc nhỏ mũi Natri Clorid của Pharmedic hoặc một số thuốc đặc trị đắt tiền điều trị bệnh ung thư, tim mạch, sốt rét… Thuốc nhái thường có nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì rất giống thuốc chính gốc, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt nếu không chú ý kỹ. Về chất lượng thuốc nhái, ngoài dược chất chính còn có những chất bảo quản, tá dược, có tác dụng dẫn truyền làm tăng độ phóng thích các hoạt chất. Nên khi kiểm nghiệm, có thể các thuốc có hàm lượng như nhau nhưng tác dụng khác nhau. Vì vậy, có khi uống thuốc vào nhưng lượng thuốc cơ thể hấp thu được rất ít.
Hành động để bảo vệ người tiêu dùng
Trước thực trạng thuốc nhái tràn ngập thị trường, những nhà sản xuất dược phẩm chân chính không khỏi đau đầu, với câu hỏi làm sao để có thể bảo vệ uy tín thương hiệu mình và bảo vệ người tiêu dùng trong nước khỏi tác hại của những loại thuốc nhái có chất lượng kém?
Vào cuộc chống thuốc nhái, nhiều công ty đã thành lập bộ phận riêng chuyên đảm trách việc theo dõi thị trường và thu thập thông tin về thuốc nhái, để có thể kịp thời tiến hành các biện pháp cần thiết chống lại thuốc nhái. Nhà sản xuất thuốc Panadol – công ty GlaxoSmithKline là một trong những công ty luôn đấu tranh quyết liệt với nạn thuốc nhái. Hiện nay trên thị trường có hơn mười loại thuốc nhái Panadol như: Pancidol, Panactol, Befadol Therpamol, Therodol,… Không chấp nhận tình trạng các đơn vị dược phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, thông qua việc sử dụng kiểu dáng bao bì sản phẩm tương tự gây nhầm lẫn với kiểu dáng bao bì sản phẩm Panadol, công ty GlaxoSmithKline đã tiến hành chiến dịch loại bỏ hàng nhái sản phẩm Panadol trên phạm vi toàn quốc. Chiến dịch này bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, như bao bì của 6 triệu viên thuốc nhái Panadol đã bị rút khỏi thị trường Việt Nam và tiêu hủy, một số nhà sản xuất các sản phẩm như: Pancidol, Befadol, Paracetamol (công ty dược Mediplantex), Therodol, Therpamol và Panactol đồng ý thay đổi bao bì. Ngày 14/10/2008, Chi cục quản lý thị trường và Thanh tra y tế TP. HCM đã tiến hành kiểm tra chi nhánh và kho hàng của hãng dược TV Pharm, tạm giữ 3.975 hộp thuốc Pancidol nhái Panadol.
Song song với chiến dịch trên, từ tháng 9/2008, công ty GlaxoSmithKline đã từng bước chuyển đổi mẫu mã bao bì mới cho sản phẩm Panadol và Panadol Extra, để tránh việc người tiêu dùng tiếp tục nhầm lẫn giữa sản phẩm Panadol với các sản phẩm thuốc nhái Panadol khác. Người tiêu dùng hãy thận trọng hơn khi mua dược phẩm, hãy luôn luôn yêu cầu được mua đúng nhãn hiệu và xem xét thật kỹ bao bì, để có thể yên tâm rằng mình đã mua đúng thuốc thật, chứ không phải là thuốc nhái với chất lượng có thể kém hơn
Hoàng Thu (SK&ĐS)

Bình luận (0)