Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thực trạng trường ngoài công lập: Kỳ 1: Trăm “hoa” đua nở

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở 2 Trường THPT tư thục Phan Bội Châu (Bình Thạnh) được “bố trí” nằm chung với một trường CĐ nghề
So với nhiều địa phương trong cả nước, TP.HCM chỉ xếp sau Hà Nội về số trường THPT tư thục, dân lập (gọi chung là ngoài công lập – NCL). Cùng với sự phát triển của ngành GD-ĐT TP, bức tranh hệ thống trường NCL hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được khắc phục.
Đua nhau thành lập trường NCL
Tại TP.HCM, mô hình trường dân lập ra đời vào năm học 1990-1991, với vỏn vẹn 3 trường. Hai năm sau, con số đó đã lên tới 30 trường, và số lượng trường không ngừng tăng theo mỗi năm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2010, toàn thành phố có tất cả 74 trường NCL. Năm 2011, ngành GD-ĐT TP có thêm 10 trường NCL đi vào hoạt động trong năm học 2011-2012 – nâng tổng số trường NCL tại TP.HCM lên 84 trường. Những quận có nhiều trường NCL đều nằm ở những vùng có dân cư đông như Tân Bình (12 trường), Tân Phú (18 trường), Gò Vấp (8 trường)… Theo quy định, trường học được xây dựng phải phù hợp với mạng lưới trường lớp trên từng địa bàn. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định này thì TP.HCM có một số quận quá… thừa trường NCL. Cụ thể, chỉ tính riêng phường 14 thuộc Q.Tân Bình có tới 4 trường THPT NCL cùng hoạt động (Trường Hòa Bình, Hoàng Diệu, Tân Trào, Vĩnh Viễn); phường 12 (cũng thuộc Tân Bình) có 2 trường là Thái Bình và Thanh Bình. Tại Q.Tân Phú, trung bình mỗi phường có gần 2 trường NCL (18 trường/11 phường); trong khi trên địa bàn quận này đã có 3 trường công lập là Trần Phú, Tây Thạnh, Tân Bình (riêng phường Tây Thạnh có tới 4 trường công lập và NCL).
Nghèo nàn về cơ sở vật chất
Chính sự chật chội, tù túng ở một số trường NCL đã khiến tinh thần của học sinh trở nên thụ động trong các giờ ra chơi, giờ sinh hoạt tập thể. Thầy H., một giáo viên từng công tác tại Trường THPT T.N.T thừa nhận: Giờ ra chơi, học sinh chủ yếu ngồi tại lớp chứ ít khi di chuyển ra ngoài.
Tuy mở rộng về số lượng nhưng quy mô và điều kiện vật chất của nhiều trường NCL còn quá nghèo nàn, có diện tích nhỏ, chật chội. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, 70% trường NCL có quy mô nhỏ và cơ sở vật chất eo hẹp. Đa số các trường NCL đều thuê cơ sở rồi xây dựng lại hoặc tự “nâng cấp” thành các phòng học, khu nội trú, bán trú… Chính sự nhỏ hẹp đó khiến nhiều người liên tưởng đến việc dạy và học trong mỗi trường giống như đang… ép xác học sinh trong các phòng học quá nhỏ. Tuy được trang bị hệ thống máy lạnh hay quạt điện nhưng nếu rơi vào những ngày bị cúp điện, cả học sinh lẫn giáo viên phải đánh vật với cái nóng, mùi mồ hôi khó chịu và cả sự náo loạn trong các phòng học. Không chỉ vậy, các trường NCL nhỏ, lẻ này còn thiếu cả những trang thiết bị cần thiết cho việc dạy học như máy chiếu, dụng cụ thí nghiệm, phòng lab, thư viện… Thậm chí, một số trường còn tiết kiệm chi phí tối đa bằng cách mua những đồ dùng, thiết bị “đã qua tay” để sử dụng. Theo tiêu chuẩn xây dựng trường học, diện tích sử dụng của mỗi học sinh là 8m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 đối với khu vực ngoại thành. Nhưng trên thực tế, tiêu chuẩn này đối với trường NCL đều quá xa vời hoặc nếu có thì chỉ gần đạt ở cơ sở chính, còn cơ sở phụ lại “thả lỏng”.
Khi chúng tôi đến cơ sở 2 của Trường THPT tư thục Phan Bội Châu (Q.Bình Thạnh) đã không khỏi lúng túng khi thấy bảng tên của trường và bảng tên của một trường CĐ nghề đặt sát nhau. Hỏi ra mới biết, hai đơn vị này cùng tồn tại… trong cùng tòa nhà. Cơ sở này có 8 lầu thì 4 lầu phục vụ cho công tác hành chính và khu nội trú của học sinh nam, nữ. Phần dành cho việc dạy học chỉ vỏn vẹn 4 lầu với 4-5 phòng học/lầu cho cả 2 bậc học (THCS – THPT). Trường có sân chơi nhưng do diện tích quá nhỏ nên học sinh cũng ngần ngại mỗi khi bước xuống. Nhân viên cơ sở này cho biết sân chơi được dùng để học thể dục hoặc giáo dục quốc phòng. Trong trường hợp nếu có 2 lớp cùng học giờ thể dục thì có 1 lớp phải ra… ngoài vỉa hè đường. Còn tại Trường THPT T.N.T, có lẽ do quá “ưu tiên” cho việc dạy học nên nhà trường đã dành tầng 1, nơi có 2 cầu thang bộ lên xuống để bố trí các lớp học. Riêng tầng 2 và 3 vốn dành cho sinh hoạt nội trú lại chỉ có một lối đi duy nhất là cầu thang nhỏ hẹp. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ hoặc sự cố bất thường, học sinh chỉ còn cách chen nhau để tìm cách thoát thân.
Bài, ảnh: Tường Vy
LTS: Không thể phủ nhận vai trò của các trường ngoài công lập trong hệ thống GD-ĐT quốc dân, đó là góp phần giảm tải lượng học sinh ở các trường công lập. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập vẫn còn những hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục mới mang lại hiệu quả cho việc dạy và học.
 
Kỳ 2: Cám cảnh mùa tuyển sinh
Nhiều trường NCL tại TP.HCM rất dễ rơi vào tình trạng bị… chết yểu vì số lượng học sinh tuyển được trong nhiều năm liền quá ít. Chính sự tăng nhanh về số lượng các trường NCL đã dẫn đến một cuộc-chạy-đua không cân sức giữa các trường với nhau.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)