HS nhiều trường NCL rất ít khi được tham gia những hoạt động tập thể (trong ảnh: HS Trường tư thục Trương Vĩnh Ký tại lễ hội truyền thống của trường)
|
Bên cạnh những bất cập trong công tác tuyển sinh, quy mô trường lớp thì chất lượng đào tạo tại các trường NCL cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đây cũng là điều khiến ngành GD-ĐT TP “đau đầu” trong những năm qua.
“Đội sổ” trong các kỳ thi
Có thể nói, mục tiêu đào tạo của tất cả trường THPT hiện nay là giúp học sinh (HS) thi đậu tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ. Đó cũng là sự lý giải tại sao trong bản báo cáo thành tích hoạt động cuối năm của mỗi trường đều không thể thiếu những số liệu này. Vài năm gần đây, tỉ lệ HS thi đậu tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ ở một số trường NCL đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể như năm học 2010-2011, TP.HCM có 34 trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100% thì một nửa trong số đó là của các trường NCL. Thế nhưng, nếu liệt kê danh sách các trường có tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT thấp nhất trong năm 2010-2011 – năm học được xem là có tỉ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT tăng đột biến ở nhiều địa phương – thì con số này cũng lại rơi vào trường NCL như Trường Phương Nam (60,76%), Lý Thái Tổ (66,67%), Phan Huy Ích (62,5%), Hưng Đạo (56,76%), Hữu Hậu (tỉ lệ 68,42%), Phan Bội Châu (56,82%), Trần Nhân Tông (63,16%), Khai Trí (68,75%), Đào Duy Từ (75%)…. Phần lớn những trường này đều có rất ít thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, đơn cử như Trường Lý Thái Tổ chỉ có 18 thí sinh, Phan Huy Ích có 16 thí sinh, Chu Văn An có 12 thí sinh, Trần Nhân Tông có 19 thí sinh…
Chúng ta không thể không đề cập đến nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Ngoài những trường NCL top trên có chất lượng đầu vào tốt, chỉ tuyển HS khá giỏi như Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký, Thái Bình… thì đa số các trường NCL thuộc top dưới chỉ tuyển được HS trung bình, khả năng tiếp thu bài chậm và thường là chưa ngoan. Chính chất lượng đầu vào như vậy đã dẫn tới hệ lụy cho các trường này trong việc đào tạo HS cả về học lực lẫn đạo đức. Đây cũng có thể coi là một sự thiệt thòi của trường NCL so với nhiều trường cùng cấp học khác.
Chuẩn nào xếp loại HS?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học lực của HS được xếp loại dựa trên điểm trung bình môn học và điểm trung bình các môn học theo từng học kỳ và cả năm. Vậy, có hay không chuyện giáo viên các trường NCL cho điểm quá dễ dãi? Và số HS khá giỏi hằng năm ở các trường NCL top dưới liệu đúng với thực chất chất lượng đào tạo của mỗi trường?
|
Tuy “thành tích” trong kỳ thi không được “đẹp”, chất lượng đầu vào không cao nhưng việc xếp loại học lực của HS ở các trường NCL lại khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong khi các trường công lập rất khắt khe trong việc xếp loại HS thì nhiều trường NCL lại gần như rất “thoáng” trong chuyện này. Đánh vào tâm lý phụ huynh muốn con em mình có sự tiến bộ, các trường NCL “vô tư” xếp loại học lực HS mà quên mất rằng thực lực của HS trường mình có đạt được như vậy? Điều đáng buồn là những trường NCL “thả lỏng” việc xếp loại học lực HS lại chủ yếu rơi vào những trường mới thành lập hoặc gặp khó khăn trong tuyển sinh. Đơn cử, Trường Trần Quốc Tuấn có tổng số HS năm học 2010-2011 (3 khối lớp) là 120 em thì có tới 11 HS giỏi, 42 HS khá; Trường Hoàng Diệu có 16 HS giỏi, 76 HS khá trong tổng số 180 HS. Tương tự, Trường Bắc Sơn có 14 HS giỏi, 128 HS khá trong tổng số 212 HS của trường; Trường Bác Ái có 6 HS giỏi, 17 HS khá trong tổng số 74 HS… Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm thừa nhận: “Mỗi năm, Trường Ngô Thời Nhiệm đều nhận được hồ sơ xin học của HS một số trường NCL lân cận. Tuy học bạ của một vài em có học lực đạt loại khá, giỏi nhưng khi làm bài kiểm tra, các em chỉ đạt chất lượng trung bình, thậm chí là yếu”.
Song song với việc giáo dục tri thức, các trường còn giáo dục đạo đức giúp HS hoàn thiện nhân cách. Nhưng khi được hỏi về hai vấn đề này, rất nhiều hiệu trưởng đã khẳng định rằng: Giáo dục đạo đức cho HS còn khó hơn giáo dục tri thức rất nhiều. Với trường công đã khó, trường NCL còn khó khăn gấp nhiều lần. Thế nhưng, thay vì có những biện pháp giáo dục tích cực thì không ít trường NCL lại “nương nhẹ” trong vấn đề xử lý những trường hợp HS vi phạm kỷ luật. Nguyên hiệu trưởng một trường NCL ở Q.Tân Phú cho biết trường ông chưa từng đuổi một trường hợp HS vi phạm nào dù trường đã thành lập hơn sáu năm. Nhiều khi, hội đồng quản trị, ban giám hiệu còn cố tình “lơ” đi những trường hợp HS vi phạm nặng, hạn chế mời phụ huynh tới trường làm việc vì họ sợ phụ huynh nản, ảnh hưởng tới việc cho con em đi học tại trường. Điều này cũng lý giải tại sao trong bảng xếp loại hạnh kiểm HS cuối năm do Sở GD-ĐT thống kê, hầu như không có trường NCL nào có HS xếp loại yếu.
Bên cạnh đó, một trong những hoạt động được coi là góp phần giáo dục đạo đức HS là đoàn thể và ngoại khóa lại không được nhiều trường NCL chú trọng, nếu không nói là bỏ bê. Chức danh trợ lý thanh niên thực sự không có tiếng nói khi tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác giáo dục HS.
Bài, ảnh: Tường Vy
Kỳ 4: Vì đâu nên nỗi?
Một điều dễ thấy ở hệ thống trường NCL hiện nay, đó là được thành lập bởi nhiều cá nhân hoặc tổ chức khác nhau. Ngoài những lý do chính đáng theo kiểu “vì sự nghiệp GD-ĐT”, thì mục đích chính của các tổ chức, cá nhân này vẫn là kinh doanh trên nền tảng tri thức…
Bình luận (0)