Hội nhậpGiáo dục phát triển

Thực trạng và công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bảo mẫu mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Nhưng thời gian gần đây, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu của bậc học này được biết đến với hàng loạt khó khăn như: thiếu nguồn giáo viên, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu sự đãi ngộ, công việc vất vả, lương thấp… đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác nuôi dạy trẻ.
Trước thực trạng này, Báo GD TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cô Kim Thanh – Nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM để hiểu thêm về thực trạng giáo viên mầm non hiện nay và cô Thu Hương – GĐ Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục, Trường CĐSPTW TP.HCM về công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này cho khu vực phía Nam.
* Thưa cô, với vai trò là Nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM cô nhận định như thế nào về trình độ của giáo viên mầm non và cô nuôi dạy trẻ hiện nay?
Cô Kim Thanh: Theo báo cáo của công tác chuẩn bị cho năm học mới từ các phòng thì nhìn chung trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đảm bảo công tác giảng dạy, tuy nhiên chuyên môn, nghiệp vụ của cô nuôi dạy trẻ và cấp dưỡng vẫn chưa thật đảm bảo cho công tác nuôi dạy hiện nay.
* Như vậy để khắc phục hiện trạng này, các cơ quan chuyên ngành đã làm gì thưa cô?
Cô Kim Thanh: Phòng Giáo Vụ của Sở đã chỉ đạo cho các phòng giáo vụ quận, huyện thường tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ tại phòng và ngay tại các trường.
* Sau khi bồi dưỡng thì đội ngũ giáo viên và cô nuôi dạy trẻ đã đủ chuyên môn và trình độ để đáp ứng yêu cầu công tác đổi mới giáo dục hiện nay chưa thưa cô?
Cô Kim Thanh: Qua sự rà soát kiểm tra của Phòng Giáo vụ thì đội ngũ này sau khi tham gia bồi dưỡng trình độ chuyên môn vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và thiếu cả về lượng lẫn chất trong các môn năng khiếu, đặc biệt là đối với trẻ khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng.
* Vậy để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bậc mầm non, cô có đề xuất gì không?
Cô Kim Thanh: Tôi mong muốn các Phòng Giáo dục quận, huyện rà soát kỹ hơn nữa về chất lượng nuôi dạy, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng ở các trường, nhóm lớp mầm non trên địa bàn, đồng thời đề xuất các trường còn thiếu giáo viên, cô nuôi dạy trẻ hoặc chưa đạt chất lượng phải có kế hoạch bồi dưỡng và kiểm tra chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ hơn.
* Ngoài những lớp bồi dưỡng cấp tốc hàng năm do các phòng giáo dục quận huyện tổ chức để nâng cao nghiệp vụ, cô có thể chia sẻ một vài trung tâm chuyên công tác bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên bậc học này?
Cô Kim Thanh: Tại TP.HCM hiện có 2 trung tâm lớn chuyên về công tác bồi dưỡng văn hóa và kiến thức chuyên môn cho giáo viên mầm non là: ĐH Sài Gòn và Trường CĐ Sư Phạm Mẫu Giáo Trung ương TP.HCM (CĐSPTW TP.HCM), nhưng tổ chức đào tạo thường xuyên và chất lượng thì Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục trực thuộc trường CĐSPTW TP.HCM là đơn vị tiêu biểu và đã chia sẻ đóng góp cho ngành giáo dục mầm non rất nhiều.
Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục – Địa chỉ tin cậy của ngành mầm non: Như lời của cô Kim Thanh, người viết đã tìm đến trung tâm này và đã được gặp cô Phạm Thị Thu Hương – GĐ Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục. Người viết cũng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với cô Thu Hương về chương trình Giáo dục nâng chuẩn và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên, cũng như đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cô nuôi dạy trẻ trong thời gian qua.

Cô Phạm Thu Hương – GĐTT (giữa) cùng 2 chuyên viên: Cô Nguyễn Anh Thi và Cô Nguyễn Phương Thảo (từ trái sang)

* Được biết Trung tâm thành lập đến nay gần 5 năm với chức năng giúp hiệu trưởng tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên Mầm non, Âm nhạc, Mỹ thuật và Giáo dục Đặc biệt của các tỉnh phía Nam. Vậy Trung tâm đã làm những gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, thưa cô?
Cô Thu Hương: Để hoàn thành công tác bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên MN nói chung, Trung tâm đã nỗ lực không ngừng tổ chức các khóa học nhằm đáp ứng chuyên môn và nghiệp vụ của các trường. Hơn nữa, được sự hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm trong công tác giảng dạy của trường CĐSPTW TP.HCM và sự cộng tác của các trường, các phòng GD và đã giúp cho trung tâm tổ chức được 40.800 tiết đáp ứng nhu cầu học tập của 13.680 học viên.
* Đa số chương trình đào tạo của Trung tâm là những Lớp, Chuyên đề Bồi dưỡng và Đào tạo ngắn hạn, cô có thể nói rõ hơn về những chương trình này?
Cô Thu Hương: Các lớp chuyên đề bồi dưỡng bao gồm: đào tạo nâng chuẩn và chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao, bồi dưỡng năng khiếu, bồi dưỡng của khóa giáo dục đặc biệt cho giáo viên nhằm hỗ trợ bồi dưỡng những kiến thức đổi mới trong phương pháp nuôi dạy. Các lớp đào tạo ngắn hạn dành cho học viên trình độ cấp 2 trở lên: đào tạo cô nuôi dạy trẻ MN, bảo mẫu, cấp dưỡng và nhân viên chăm sóc trẻ tại nhà nhằm đào tạo cho họ những kiến thức cơ bản trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn cho bé tại các trường và gia đình.
* Được biết sau 5 năm đưa vào hoạt động, Trung tâm đã liên kết đào tạo với các quận, huyện tại TP.HCM, các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai… và đặt quan hệ ngoại giao với các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Lâm Đồng… Cô có thể chia sẻ định hướng và mục tiêu đào tạo của trung tâm thời gian tới?
Cô Thu Hương: Với mong muốn chia sẻ gánh nặng về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các giáo viên MN của Sở GD TP.HCM nói chung và các tỉnh thành nói riêng, Trung tâm đã và đang cố gắng liên kết với các trường ở các tỉnh thành để góp phần nâng cao mặt bằng chung của nền giáo dục MN.
* Với những cống hiến cho nền giáo dục MN nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung thì Trung tâm đã được ghi nhận thư thế nào?
Cô Thu Hương: Chúng tôi đã vinh dự đón nhận nhiều bằng khen của Bộ như: Đơn vị lao động xuất sắc 4 năm liền 2007 – 2010, Bằng khen của Bộ GD-ĐT 3 năm liền 2009 – 2011, Bằng khen của Bộ GD-ĐT về 35 năm thành lập trường CĐSPTW TP.HCM và Bằng khen của Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam vì có những cống hiến trong công tác đổi mới tư duy, phương pháp giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và chậm phát triển.
Cảm ơn cô và chúc Trung tâm ngày càng phát triển.
V. Hoàng
Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục – Trường CĐSPTW TP.HCM
Số 182 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM
Điện thoại: (08) 38337552 – Website: www.cdsptw-tphcm.vn 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)