- 1 Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục Việt Nam là một chính sách quan trọng của Nhà nước và ngành giáo dục. Chính sách này không chỉ giúp học sinh tiếp cận nền giáo dục đa văn hóa mà còn tạo nền tảng để thế hệ trẻ Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường lao động quốc tế.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả thực tế của việc học ngôn ngữ này.
Sự ưu tiên của giáo dục Việt Nam đối với tiếng Anh
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm đáng kể đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các bậc học. Tại hầu hết các tỉnh/thành phố trên cả nước, tiếng Anh được ưu tiên đưa vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập bên cạnh các môn truyền thống như toán và ngữ văn. Dù có một số địa phương đặc thù còn áp dụng hình thức thi tổ hợp hoặc xét tuyển tổ hợp không có môn tiếng Anh (Cà Mau, Gia Lai, Vĩnh Long); tuy nhiên, tỷ lệ này không đáng kể. Điều này cho thấy Việt Nam đang đặt ưu tiên lớn cho việc học tiếng Anh, coi đây là một công cụ quan trọng để hội nhập quốc tế.
Không chỉ ở bậc phổ thông, ngay từ bậc mầm non, các em học sinh (trường công lập và tư thục) đã được làm quen với tiếng Anh thông qua các chương trình ngoại khóa. Ở bậc đại học, sinh viên cũng phải trải qua các chương trình tiếng Anh nền tảng trước khi tiếp tục học chuyên ngành. Song, thực tế cho thấy, dù đã trải qua nhiều năm học tiếng Anh, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn gặp nhiều hạn chế trong khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục
Dù tiếng Anh đã trở thành một môn học quan trọng, nhưng chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu của học sinh vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân có thể nằm ở các yếu tố sau:
Thứ nhất, mô hình giảng dạy chủ yếu tập trung vào lý thuyết hơn thực hành. Việc dạy và học tiếng Anh tại trường phổ thông hiện nay vẫn chủ yếu xoay quanh ngữ pháp và bài tập đọc – viết, trong khi kỹ năng nghe – nói chưa được chú trọng đúng mức. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hay kỳ thi tốt nghiệp THPT đều đánh giá năng lực tiếng Anh phần lớn dựa trên bài kiểm tra viết (ưu tiên cho kỹ năng đọc và viết), trong khi kiểm tra kỹ năng nói và nghe chưa được chú trọng triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc thiết kế chương trình kiểm tra chỉ chú trọng đọc và viết, còn kỹ năng nghe và nói chưa được coi trọng đúng mức là một điểm trừ của chương trình thi cử. Đáng bàn hơn là kỹ năng nói vắng bóng hoàn toàn trong các bài kiểm tra định kỳ ở các học kỳ và những kỳ thi tuyển sinh. Điều này dẫn đến giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy cũng không chú trọng đến việc ôn luyện và phát triển năng lực nói cho học sinh, làm giảm đi kỹ năng phản xạ thực tế. Phải thừa nhận trong thực tế, giáo viên thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động thực hành giao tiếp do giới hạn về thời gian và sĩ số lớp học đông.

Thứ hai, sự chênh lệch trong tiếp cận chương trình học. Học sinh có điều kiện kinh tế khá giả thường được gia đình cho theo học tại các trung tâm tiếng Anh hoặc tham gia các chương trình quốc tế để lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc Cambridge. Những học sinh không có điều kiện học thêm bên ngoài chủ yếu chỉ dựa vào chương trình học tại nhà trường, dẫn đến sự chênh lệch lớn về trình độ tiếng Anh giữa các nhóm học sinh. Theo một số thông tin về kết quả trình độ tiếng Anh của người dự thi Việt Nam so với thế giới, thì điểm số của thí sinh Việt Nam không quá thấp. Song phải thừa nhận thực tế, những người dự thi lấy chứng chỉ ELTS mới được thống kê. Vì vậy, thực tế chỉ những người học có nhu cầu lấy chứng chỉ này để du học, đi lao động nước ngoài, theo học chương trình học tập chất lượng cao, hoặc học tập bằng ngôn ngữ Anh thì mới dự thi. Và đa phần đều tiếp cận chương trình tiếng Anh tại các trung tâm lớn để luyện thi. Như vậy, những người học còn lại chưa được đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, và càng khó đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để làm ngôn ngữ thứ hai đạt yêu cầu. Đơn cử, ở lớp 8/1 Trường THCS Trương Văn Ngư (TP.Thủ Đức) mà tôi giảng dạy, tôi thường xuyên trao đổi về chủ đề tiếng Anh với các em học sinh. Trong lớp có em Xuân Tùng đã thi đạt chứng chỉ Cambridge KET (143 điểm), tương đương B1 theo khung châu Âu; còn em Phương Thảo đã vượt qua kỳ thi A2 Cambridge dù chỉ thi một lần… Các em cho biết đều đi học thêm và ôn luyện tại các trung tâm tiếng Anh bên ngoài mới có thể thi đạt các chứng chỉ Cambridge.
Thứ ba, thời gian học chưa tối ưu. Chương trình giáo dục phổ thông quy định số tiết tiếng Anh cố định cho từng bậc học, tuy nhiên thời lượng này vẫn chưa được sử dụng tối ưu để đạt đến việc hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh trước nhu cầu thực tế. Bên cạnh số tiết học quy định theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường học còn triển khai số tiết rèn luyện, ôn tập, chương trình tiếng Anh tăng cường liên kết với các trung tâm bên ngoài để nâng cao chất lượng, dạy toán bằng tiếng Anh nhưng mức độ phổ biến chưa đồng đều giữa các địa phương. Có thể số tiết tiếng Anh được học thực tế tại trường từ 3 đến 6 tiết/tuần. Tuy có số tiết vượt trội và tăng cường nhưng kỹ năng tương tác thực tế cũng như kỹ năng nói vẫn còn bỏ ngỏ, và nhiều dấu chấm hỏi vẫn được đặt ra trong tiến trình thực hiện đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.
Tình trạng học sinh thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và bất cập trong giảng dạy
Như đã trình bày, Việt Nam hiện có tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL không hề thấp. Tuy nhiên, phần lớn những học sinh này đều có định hướng du học hoặc học tập trong môi trường quốc tế, và các em thường có sự đầu tư bài bản từ gia đình về thời gian, tài chính và phương pháp học tập. Trong khi đó, đối với những học sinh không có nhu cầu lấy chứng chỉ hoặc không có điều kiện học thêm, trình độ tiếng Anh của các em chủ yếu được đánh giá qua điểm số trên lớp, vốn không phản ánh chính xác khả năng sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự của chương trình giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Tại TP.HCM, học sinh được tạo điều kiện để thi lấy các chứng chỉ Cambridge như Starters, Movers, Flyers ở bậc tiểu học và các chứng chỉ A1, A2, B1 ở bậc trung học. Tuy nhiên, phần lớn những học sinh đạt chứng chỉ này đều đã có sự ôn luyện tại các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Điều này cho thấy hệ thống giáo dục công lập chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh, khiến phụ huynh phải tốn kém thêm chi phí cho việc học thêm.
Mặc dù đã có nhiều chính sách cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh, nhưng thực tế cho thấy tốc độ cải thiện vẫn còn chậm. Nguyên nhân một phần là do: Một là giáo viên chưa có đủ cơ hội để thực hành giao tiếp tiếng Anh trong giảng dạy, dẫn đến việc học sinh cũng ít có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong môi trường lớp học. Hai là chương trình giảng dạy còn nặng về ngữ pháp, ít chú trọng đến thực hành giao tiếp, khiến học sinh có xu hướng học để thi thay vì học để sử dụng. Ba là các bài kiểm tra tiếng Anh chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc và viết, trong khi phần kiểm tra nói chưa được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay, trong các kỳ thi kiểm tra tiếng Anh tại Việt Nam, phần nghe thường chỉ chiếm một phần nhỏ, trong khi phần nói gần như bị bỏ qua. Điều này trái ngược với các bài thi quốc tế như IELTS, trong đó phần nghe chiếm 45 phút và phần nói kéo dài 10-15 phút. Việc thiếu đi phần thi nói khiến học sinh không có động lực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, dẫn đến khả năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế còn hạn chế.
Vì vậy, theo tôi, để nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Việt Nam, cần thực hiện các biện pháp sau: Thứ nhất, cần thiết kế chương trình giảng dạy chú trọng thực hành giao tiếp, đặc biệt là tăng cường các hoạt động nghe – nói trong lớp học. Thứ hai, cải cách hình thức kiểm tra đánh giá, trong đó bổ sung phần kiểm tra kỹ năng nói vào các kỳ thi cuối kỳ và thi tuyển sinh. Thứ ba, tăng cường đào tạo giáo viên tiếng Anh, giúp họ có đủ kỹ năng và phương pháp giảng dạy hiện đại để áp dụng trong lớp học. Thứ tư, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, và ứng dụng công nghệ vào việc học tập.
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục Việt Nam là một bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự mang lại hiệu quả, cần có những cải cách mạnh mẽ trong phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra đánh giá và sự hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước, nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Chỉ khi tạo ra một môi trường học tập tiếng Anh hiệu quả, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thế hệ trẻ, giúp các em tự tin bước ra thế giới.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)