Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thuê bao di động: Bạc bẽo kiếp trả sau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trên thực tế, cách kinh doanh của các nhà mạng vẫn chưa đối xử bình đẳng giữa hai loại hình thuê bao.
Lượng thuê bao di động mới tăng nhưng thu nhập bình quân trên mỗi thuê bao có xu hướng giảm. Tuy nhà mạng từ chối cung cấp số liệu thuê bao chuyển đổi từ trả sau sang trả trước, nhưng thừa nhận hiện tượng này.
Từ ngày 1/1/2010, các thuê bao trả trước buộc phải đăng ký.
Doanh thu của hai mạng di động Vinaphone và Mobifone năm 2010 khoảng 65.000 tỉ đồng. Tuy chưa tính cụ thể, đại diện của Viettel cho hay, dịch vụ di động chiếm tỷ lệ lớn trong doanh số 91.134 tỉ đồng.
Năm 2010, Việt Nam có khoảng 155 triệu thuê bao điện thoại được kích hoạt chủ yếu tại ba nhà mạng lớn: Viettel, Vinaphone và Mobifone. Nguồn tin từ các nhà mạng, trong số thuê bao trên, tỷ lệ thuê bao trả sau chiếm chưa tới 10%. Đây là lý do giải thích vì sao chỉ số tiêu dùng bình quân của một thuê bao điện thoại di động (tính trên tháng) thấp. Tính bình quân trong năm 2010, mỗi thuê bao đóng góp khoảng 70.000 đồng mỗi tháng cho nhà mạng.
Phần lớn thuê bao mới là trả trước
Bà Tú (Tân Bình, TP.HCM) kể, trước đây, nếu dùng số thuê bao trả sau gọi đi, mỗi tháng mất gần 1,8 triệu đồng. Từ khi đăng ký thêm thuê bao trả trước, thường xuyên được nhân đôi số tiền nạp mỗi tháng, bà Tú chỉ trả khoảng 600.000 đồng mỗi tháng. “Thuê bao trả sau dùng để nghe, còn thuê bao trả trước dùng để gọi”, bà Tú hồ hởi nói. Trường hợp bà Tú chỉ là một trong hàng triệu người sử dụng đăng ký thêm một thuê bao trả trước để thực hiện cuộc gọi đi, còn thuê bao trả sau chấp nhận đóng 49.000 đồng mỗi tháng để nghe là chính.
Qua số liệu phân tích từ các nhà mạng, trong số thuê bao mới, 97% là thuê bao thông thường, còn lại là số thuê bao dành cho dịch vụ kết nối 3G bằng thiết bị riêng. Cũng trong số thuê bao phát triển mới trong năm 2010, số thuê bao trả sau không nhiều, ước chừng 8%.
Nhẩm tính từ hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone, có khoảng hai triệu thuê bao trả sau theo chương trình “không tính tiền dành cho những cuộc gọi dưới 10 phút khi gọi vào các thuê bao mạng Vinaphone và Mobifone và đầu số cố định nội mạng được triển khai vào ngày 1.5.2010”. Điều mà các nhà mạng này lo ngại là khi kết thúc chương trình khuyến mãi được cho là thành công nhất vào đầu tháng 5 năm nay, không rõ số lượng thuê bao ở lại là bao nhiêu?
Bạc bẽo kiếp trả sau
Không tiết lộ chi tiết nhưng đại diện các nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone thừa nhận hiện tượng chuyển từ gói trả sau sang gói trả trước, đặc biệt mỗi khi có chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ các nhà mạng dành cho trả trước, hầu hết thuê bao mới chọn gói trả trước. “Việc chuyển đổi từ nhà mạng này sang nhà mạng khác, từ gói cước này sang gói cước khác không phải là chuyện lạ của dịch vụ điện thoại di động ở nước ta. Có nhiều khi chỉ thấy số thuê bao mới toàn là thuê bao trả trước”, lãnh đạo một nhà mạng nói.
Trên thực tế, cách kinh doanh của các nhà mạng vẫn chưa đối xử bình đẳng giữa hai loại hình thuê bao. Nhà mạng có làm nhưng chỉ mang tính hình thức mà theo lời nhà mạng Mobifone là “chia sẻ tình cảm” với thuê bao trả sau. Mobifone có tính điểm tích luỹ theo số tiền cước trong tháng để tặng cho thuê bao một khoản tiền trừ vào cước tháng sau, có tặng phiếu giảm giá (10 – 20%) khi sử dụng dịch vụ của các đối tác với Mobifone, tặng hoa vào dịp sinh nhật hay các ngày lễ lớn…
Vinaphone có tặng quà cho các thuê bao trả sau lâu năm. Nhưng xét cho cùng, những giá trị đó chưa thể bằng những gì mà các nhà mạng tặng cho các thuê bao hàng tháng, từ tặng tài khoản tương ứng với giá trị thẻ, bốc thăm may mắn khi nạp thẻ… Nhà mạng Viettel xác nhận “chưa làm gì thể hiện sự quan tâm của nhà mạng với thuê bao trả sau”.
Căn cứ vào bảng cước mà các nhà mạng công bố thì giá cước thuê bao trả sau rẻ hơn trả trước nhưng trên thực tế, sau khi cộng vào những khoản khuyến mãi của các nhà mạng, giá cước trả trước rẻ hơn rất nhiều, ước tính bình quân từ 20 – 30%. Chưa kể, với thuê bao trả sau, khi có sự cố như hư SIM, chuyển tên sở hữu thuê bao… thì thủ tục phức tạp hơn.
Trong khi đó, với thuê bao trả trước, thủ tục khá đơn giản. Thậm chí, vẫn còn hiện tượng SIM được kích hoạt trước, dùng hết khuyến mãi cũng là lúc quăng SIM.
Theo SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)