Tòa soạnThư đi – tin lại

Thuê đất kinh doanh rồi muốn chiếm đoạt luôn?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mặt bằng DNTN Thu Hà thuê của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức kinh doanh nhưng không trả lại

Ngày 10-10, Ban Văn hóa Xã hội và Ban Pháp chế – HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (gọi tắt là TĐ) xoay quanh việc doanh nghiệp tư nhân Thu Hà (gọi tắt là TH) đang lấn chiếm đất của trường.
Thuê xong không trả
Cô Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng Trường TĐ cho biết: “Sau 30-4-1975 chính quyền cách mạng tiếp quản Trường Lasan Mossard Thủ Đức và thành lập Trường Bổ túc Công nông. Đến năm 1984, UBND TP.HCM có quyết định số 215/QĐ thành lập Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Thủ Đức (tiền thân của Trường TĐ hiện nay). Năm 1995, Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định số 2702/QĐ xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với 7 trường tư thục cũ, nguyên thuộc dòng tu Lasan Việt Nam, trong đó có Trường TĐ và giao cho Sở GD-ĐT TP tổ chức quản lý, điều hành các trường kể trên theo chế độ trường công”. TS. Nguyễn Toàn – nguyên Hiệu trưởng Trường TĐ (là người đại diện nhà trường trực tiếp cho TH thuê) cho biết thêm: “Để tăng nguồn thu, hỗ trợ đời sống CB-CNV, nhà trường đã cho TH (do ông Nguyễn Hữu Thọ là chủ doanh nghiệp) thuê một nhà kho nằm trong khuôn viên trường tại số 53 (trước đây là số 43A) từ năm 1994. Đến năm 1995, trường xây 4 ki-ốt cho các ông, bà Nguyễn Xuân Quang, Cao Phước Vinh, Nguyễn Thị Thu Cúc và Nguyễn Hữu Thọ thuê. Sau đó, các ông bà Quang, Vinh, Cúc trả lại 3 ki-ốt để trường cho ông Thọ thuê toàn bộ. Quá trình thuê, ông Thọ lấn chiếm thêm đất trong khuôn viên trường, nâng tổng diện tích lên 313,9m2 (theo bản vẽ hiện trạng được UBND Q.Thủ Đức duyệt ngày 2-12-2008)”.
Thực hiện theo chỉ đạo, Trường TĐ đã thông báo thu hồi mặt bằng sau khi hợp đồng cho TH thuê kết thúc vào ngày 31-12-2003. Ngày 6-5-2005, ông Thọ làm đơn gửi trường xin cho TH “giao trả mặt bằng từng phần, chậm nhất vào cuối tháng 9-2005 để có đủ thời gian thuê mướn, xây dựng lại kho và điểm kinh doanh khác”. Đến ngày 19-7-2006, ông Thọ lại ký văn bản gửi Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban giám hiệu Trường TĐ, cam kết: TH đã thuê được nơi mới (đính kèm hợp đồng thuê đất), sẽ trả mặt bằng trong vòng 3 tháng. “Nhưng đến đầu năm 2007, TH vẫn không trả lại mặt bằng cho trường vì vậy TĐ phải gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Q.Thủ Đức nhờ can thiệp. Sau đó, trường nhận được văn bản phản hồi của UBND Q.Thủ Đức cho rằng quận không có thẩm quyền nên không thể hỗ trợ thu hồi lại mặt bằng, trường có thể khởi kiện ra tòa. Vì vậy, trường đã khởi kiện và được TAND Q.Thủ Đức thụ lý ngày 7-5-2010”, bà Lý cho biết thêm. 
Tại phiên xét xử ngày 27-8-2010, TAND Q.Thủ Đức tuyên buộc TH giao trả mặt bằng với tổng diện tích lấn chiếm là 313,9m2 và thanh toán 280 triệu đồng (tiền thuê mặt bằng còn nợ) cho Trường TĐ nhưng ông Thọ không đồng ý với lý do: Đây là đất công, không phải do trường quản lý? Phiên phúc thẩm ngày 3-12-2010, TAND TP đã sửa án sơ thẩm, buộc TH giao trả 118m2 mặt bằng (gồm 3 ki-ốt và 1 nhà kho). TAND TP xác định phần diện tích đất còn lại 195,9m2 do ông Thọ lấn chiếm. Căn cứ văn bản 3656/UBND-TNMT của UBND Q.Thủ Đức, đây là đất “tranh chấp” nhưng Trường TĐ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) nên tòa không giải quyết.
“Rõ ràng là Trường TĐ cho TH thuê 4 ki-ốt, nhưng không hiểu sao tòa xử chỉ phải trả lại 3 ki-ốt?”, cô Lý thắc mắc.
Xác định rõ nguồn gốc đất
Sau khi nghe lãnh đạo Trường TĐ trình bày, ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP đặt vấn đề: “Việc tranh chấp đất giữa TH và TĐ đã kéo dài từ lâu, nhưng vấn đề ở chỗ phải xác định rõ trách nhiệm theo đuổi vụ việc này không chỉ của riêng Trường TĐ với TH mà đó còn là trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP. Lý do, TĐ do sở quản lý từ CSVC đến con người, TĐ chỉ là đơn vị thụ hưởng”. Đại diện Ban Pháp chế – HĐND TP, ông Trương Lâm Danh – Phó trưởng ban đề nghị: “Sở GD-ĐT phải phối kết hợp với Sở Tài nguyên Môi trường cùng giải quyết vụ việc này. Xác định rõ nguồn gốc đất – phải tìm ra bản đồ để đối chiếu vị trí đất của giáo xứ Thủ Đức với vị trí đất của trường. Sở GD-ĐT phải có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường in đồ họa để xác định được diện tích đất mà TH đang lấn chiếm, thuộc đất công (do Q.Thủ Đức quản lý) hay thuộc Sở GD-ĐT TP giao Trường TĐ quản lý”. Về phía Sở GD-ĐT TP, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc sở cũng cho biết: “Từ khi xảy ra vụ việc này, các phòng ban của sở đã phối kết hợp chặt chẽ với Trường TĐ cùng bàn bạc, sưu tầm hồ sơ, giấy tờ liên quan tới nguồn gốc đất. Khi biết TH được cấp phép xây dựng, lãnh đạo sở đã có văn bản đề nghị UBND Q.Thủ Đức thu hồi văn bản số 1231 (UBND Q.Thủ Đức cho phép TH được sửa chữa, cải tạo cơ sở kinh doanh), đồng thời yêu cầu TH ngừng thi công trên phần đất lấn chiếm của trường và không kinh doanh trên diện tích này”. Ông Hùng kết luận: “Xác định rõ nguồn gốc đất, họa đồ, bản vẽ là trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP, vì vậy sở phải phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên Môi trường nên phân công một bộ phận của sở trực tiếp cùng trường theo đuổi vụ việc nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề tranh chấp đất này trong thời gian sớm nhất”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)