Nhờ thuế giảm, nông sản của VN sẽ được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc nhiều hơn. Trong ảnh: công nhân sơ chế xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc tại Nhà máy Good Life (TP.HCM) – Ảnh: Trần Mạnh |
Trong khi đó dù VN là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với những sản phẩm nhạy cảm như hoa quả tươi và chế biến, hiện đang chịu thuế suất 30-50% nhưng các doanh nghiệp Việt dường như vẫn chậm chân, chưa chủ động trong việc tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan để đưa hàng vào thị trường này.
Doanh nghiệp Hàn nhanh tay nắm cơ hội
Ông Park Juno, giám đốc marketing Công ty Happy Cook (100% vốn Hàn Quốc tại VN), cho biết sau nhiều năm có mặt tại VN, công ty bắt đầu có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh để có thể tận dụng tối đa những lợi thế mà VKFTA đem lại.
Cụ thể, công ty đang lên kế hoạch nhập thêm dòng sản phẩm cao cấp của các mặt hàng đồ gia dụng điện tử vào VN thời gian tới do thuế suất các mặt hàng này sẽ còn 0% theo lộ trình, thay vì 25-30% như trước.
“Việc giảm thuế cũng giúp chúng tôi có thể nhập nguyên liệu, vật liệu sản xuất từ Hàn Quốc rẻ hơn, giúp bán đến tay người tiêu dùng VN rẻ hơn” – ông Park Juno nói thêm.
Hiện có ba nhà máy sản xuất hàng gia dụng, đồ dùng nhà bếp tại VN, trong đó 70% lượng sản xuất phục vụ thị trường nội địa, công ty này đang tính toán giảm giá một số mặt hàng theo đúng lộ trình cam kết trong FTA và có thể đầu tư mở rộng sản xuất ở VN.
Trong khi đó, ông Lee Jong Ki – nhà đầu tư Hàn Quốc vừa thiết lập văn phòng hoạt động ở Q.7, TP.HCM – cho biết đang tìm các đối tác trong lĩnh vực in ấn, quảng cáo.
“VKFTA có hiệu lực đồng nghĩa doanh nghiệp Hàn Quốc qua VN sẽ còn tăng mạnh, chắc chắn nhu cầu sử dụng các dịch vụ, truyền thông sẽ rất nhiều. Tôi đã bắt đầu có một số khách hàng doanh nghiệp từ Hàn Quốc” – ông Lee cho biết.
Ông Vũ Bá Phú, vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), cho biết chỉ trong hai tháng đầu năm 2016, làn sóng doanh nghiệp Hàn Quốc đến VN đầu tư để tận dụng cơ hội từ FTA tăng lên đến 17-18%, mức tăng đột biến so với những năm trước, với lĩnh vực đầu tư ẩm thực, thuê xưởng, sản xuất, xây dựng đến các dự án công nghệ hỗ trợ…
“Các nhà đầu tư Hàn Quốc tỏ ra đã tận dụng được cơ hội nhanh, mạnh như thế nào, trong khi các doanh nghiệp của VN có phần rụt rè hơn” – ông Phú nhận xét.
Theo ông Lee Ho Dong – cục trưởng thuộc Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc, nhờ vào chính sách quản lý xuất xứ sản xuất tiên tiến của Chính phủ Hàn Quốc nên các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đạt tỉ lệ vận dụng FTA để xuất khẩu tăng trưởng đều đặn.
“Quản lý xuất xứ là vấn đề trở ngại lớn nhất trong việc vận dụng FTA, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn được khuyên phải tích cực tận dụng các dịch vụ của trung tâm hỗ trợ mà Chính phủ Hàn Quốc lập ra để có thể vận dụng FTA dễ dàng hơn” – ông Lee Ho Dong nói.
Hàn Quốc cần nhiều nông sản Việt
Ông Inho Roh, phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc khu vực ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương, cho biết khó khăn nhất trong quản lý xuất xứ sản phẩm chiếm 47,4% các câu trả lời của doanh nghiệp khi tận dụng FTA.
Hiện nay Hàn Quốc đang nhập khá nhiều trái cây nông sản nhiệt đới từ các nước ASEAN, khi thuế nhập khẩu từ VN được giảm, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc sẽ tập trung ưu tiên hàng VN vì giá tốt hơn.
Vì vậy, doanh nghiệp VN cần tận dụng FTA này để làm động lực cải thiện chất lượng, mẫu mã của mình, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, phức tạp của thị trường Hàn Quốc…
Ông Huỳnh Quang Đấu, tổng giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), cho biết sau khi VKFTA có hiệu lực, rất nhiều khách hàng Hàn Quốc đã gọi điện đề cập chuyện tăng sản lượng mua từ Antesco do thuế giảm.
Đối với Antesco nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói chung, Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng để xuất khẩu do nhu cầu lớn và ngày càng tăng trưởng. “Họ yêu cầu khá đa dạng về chủng loại, từ các loại rau củ đông lạnh, đóng hộp đến trái cây tươi” – ông Đấu nói.
Theo ông Đấu, chỉ riêng trong tháng 3 Antesco đã có hợp đồng xuất khẩu trên 200 tấn rau quả sang Hàn Quốc và dự kiến đạt hơn 2.000 tấn, tăng 20% so với năm ngoái.
Dù vậy, theo Hiệp hội Trái cây VN, Hàn Quốc là một trong những thị trường khó tính với các quy định về an toàn thực phẩm khắt khe. Do đó, các công ty VN cần chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu ổn định và lâu dài vào thị trường này khi các dòng thuế giảm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Thanh – chủ tịch Hiệp hội Điều VN, Hàn Quốc là một thị trường còn rất khiêm tốn của sản phẩm điều xuất khẩu VN khi chỉ chiếm 0,12% tổng xuất khẩu của VN và đứng ở vị trí thứ 43 trong số 97 quốc gia nhập khẩu hạt điều từ VN.
“Chúng tôi hi vọng việc cắt giảm các dòng thuế với nông sản, trong đó có hạt điều, sức cạnh tranh của hạt điều VN sẽ tăng lên trong thời gian tới và xuất khẩu vào thị trường này nhiều hơn” – ông Thanh nói.
Đừng chờ nước đến chân… Tại buổi tọa đàm triển vọng của FTA VN – EU (EVFTA) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ở TP.HCM gần đây, ông Bruno Angelet – đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN – đã thúc giục Chính phủ và các doanh nghiệp VN chủ động để có thể sẵn sàng nhập cuộc khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2018. Theo ông Bruno Angelet, VN có hai năm để chuẩn bị trước khi EVFTA VN có hiệu lực. “Nếu không quyết tâm thực hiện, doanh nghiệp VN sẽ dễ bị sốc khi hiệp định chính thức được thực thi vào năm 2018. VN cần có danh mục hoạt động cụ thể, trình tự ưu tiên chứ không thể xem cứ ký kết xong là buông tay đợi có hiệu lực” – ông Bruno nhấn mạnh. |
TRẦN MẠNH – N.BÌNH
(TTO)
Bình luận (0)