Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thuê hàng hiệu để chơi Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch vụ cho thuê hàng hiệu không còn xa lạ với giới trẻ Hà Nội. Trước và sau Tết Nguyên đán, thị trường này càng trở nên sôi động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê
Những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, LV, Mochino, Lasscoti, Burberry, Chanel… luôn được các tín đồ hàng hiệu thích mê mẩn. Nhưng để sở hữu được những sản phẩm này là điều không tưởng đối với nhiều bạn trẻ, nhất là giới sinh viên. Để có những bộ cánh, những chiếc xắc hợp thời trang, nhiều người đã tìm đến các cửa hiệu cầm đồ hoặc các cửa hàng cho thuê hàng hiệu để thuê lại. N.M. Linh là một sinh viên như thế. Đang học tại một trường ĐH lớn của Hà Nội, chưa có điều kiện nhưng Linh “nghiện” các sản phẩm của LV (Louis Vuton). Chính vì vậy, Linh là tín đồ thường xuyên của cửa hàng anh Hưng (đường Láng, Hà Nội). Không chỉ có Linh mà rất nhiều tín đồ hàng hiệu đều biết đến cửa hàng này dù nó không có biển quảng cáo và nằm trong một con ngõ nhỏ. Những đồ hiệu ở đây được xếp rất ngay ngắn trong tủ và trên các giá treo theo nhãn hiệu. Quần áo ở đây nhiều vô kể, với đầy đủ các size cho các thượng đế lựa chọn. Được biết, những đồ mà ông chủ này cho thuê đều là hàng hiệu “xịn” 100%. Được biết, shop này có đủ các mặt hàng cho thuê từ xe máy SH, LX, Dylan… có giá trăm triệu đồng đến những chiếc điện thoại đẳng cấp cao hay chỉ đơn giản là đôi giày, chiếc quần bò. Tùy vào nhãn hiệu mà có những mức giá khác nhau. Được biết, các mặt hàng như xe máy, laptop, điện thoại, máy chụp ảnh được tính theo ngày còn quần áo, trang sức, giày dép được thuê theo tuần, tháng. Được biết, tại shop trên đường Láng ông chủ đang cho thuê gần một chục “con” SH, LX, Dylan, 20-30 chiếc laptop xịn, điện thoại, đồng hồ, quần áo thì nhiều vô kể. Các loại xe đắt tiền lúc nào cũng trong tình trạng “cháy” hàng.
Nhiều cửa hàng cầm đồ khác của Hà Nội cũng kiêm luôn cả dịch vụ cho thuê này. Không chỉ quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu được các bạn trẻ Hà Nội săn lùng để thuê đi chơi ngày Tết, những chiếc xe tay ga đắt tiền như: Dylan, LX, SH cũng thu hút giới trẻ đến thuê. “Nhiều khách đến cầm xe xịn nhưng quá hạn không đến chuộc nên tôi để lại cho khách nào có nhu cầu thuê thì thuê. Thông thường xe SH được cho thuê với giá 300.000 – 400.000đồng/ngày, xe LX và Dylan có giá rẻ hơn khoảng 250.000 – 350.000 đồng/ngày nhưng ngày Tết thì giá cao hơn từ 300.000đ đến 450.000đồng/xe/ngày”, một chủ cửa hàng cầm đồ trên đường Giải Phóng cho biết. Hay như trong chợ Nghĩa Tân, các chủ cửa hàng bán hàng hiệu cũng cho thuê luôn các sản phẩm nếu như khách có nhu cầu. Tuy nhiên, mỗi chủ cửa hàng đều có một “ám hiệu” riêng để đánh dấu hàng của mình. Nên các “con nghiện” đừng hy vọng đổi đồ qua mặt chủ.
Thỏa mãn cảm xúc hay thói đua đòi của giới trẻ?
Thay vì bỏ ra hàng triệu để mua một cái túi, một cái quần hay cả trăm triệu để mua một cái xe thì chỉ cần vài trăm nghìn là có thể sở hữu được những món đồ mà mình yêu thích dù chỉ trong thời gian nhất định. Đây là quan niệm của rất nhiều người trẻ hiện nay. Theo lý giải của Linh thì đó chỉ là các món đồ, hôm nay thích, ngày mai có thể không. Do đó, không tội gì mà mua về cho phí tiền. Chính vì vậy, bạn bè nhiều hôm ngã ngửa với những bộ cánh đắt tiền Linh khoác trên người nhưng họ cũng không khỏi thắc mắc vì sao không thấy Linh mặc lại lần hai. Không những thế, quần áo, đồ dùng đi thuê đôi khi cũng bất tiện. H.T. Trà đã có bài học xương máu về vấn đề này. Lần đầu tiên về nhà người yêu, Trà đã thuê hẳn một bộ cánh đắt tiền và bắt mắt. Cũng chính vì thế mà thay vì để ý, để tứ đến song thân, người nhà của người yêu thì Trà lại phải ý tứ để giữ gìn bộ đồ. Sau lần ra mắt “mất điểm” đó, Trà đã “xin chừa” không dám thuê đồ hiệu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giới trẻ hiện đang “sính” đồ ngoại và chạy theo thói quen đua đòi. Điều này sẽ tác động đến văn hóa ứng xử của xã hội. Bệnh ưa hình thức sẽ dần dần ăn sâu vào tiềm thức và nó sẽ hình thành nên những thói quen không tốt. Điều này đang được thể hiện rất rõ nét tại Hà Nội thời gian qua. Trong khi đường chưa được nâng cấp, chưa được mở rộng nhưng lượng người mua ô tô vẫn rất nhiều. Thậm chí còn đang “nóng”. Những ngày trời rét và trời mưa, cũng như nắng quá, các con đường của Hà Nội bỗng biến thành biển ô tô. Mua ô tô không phải chỉ phục vụ đi lại (vì công chức chỉ đi từ nhà đến cơ quan cũng đi ô tô), mà cái quan trọng hơn đó là giải quyết khâu “oai”.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)