Ông Phan Thanh Hiền – chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, Quảng Bình cho biết Sở TN-MT tỉnh sẽ thuê thợ lặn tìm hiểu những hiện tượng bất thường mà ngư dân phản ảnh ở vùng biển xã Nhân Trạch vào sáng 7-5.
Vệt nước khác thường trên vùng biển Kỳ Xuân-Hà Tĩnh – Ảnh: do cơ quan chức năng cung cấp |
Liên quan tới thông tin có nhiều cá chết dưới đáy biển Quảng Bình, ngày 6-5 ông Lê Minh Ngân, giám đốc Sở TN-MT Quảng Bình, nói sở có nhận được thông tin này từ ngư dân ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch).
“Tất cả mọi thông tin do bà con cung cấp chúng tôi đều tiếp nhận và xem xét một cách nghiêm túc. Với thông tin này, tuy chưa biết đúng sai thế nào nhưng sở lập tức có báo cáo gửi Bộ TN-MT để xem xét và có thể cử đoàn vào tìm hiểu, khảo sát thực tế”.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Quang, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói UBND tỉnh có biết về thông tin này, đồng thời cũng nhận được báo cáo từ Sở TN-MT tỉnh, hiện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý.
Theo ông Phan Thanh Hiền – chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, Sở TN-MT tỉnh sẽ tổ chức thuê thợ lặn tìm hiểu những hiện tượng bất thường mà ngư dân phản ảnh ở vùng biển xã Nhân Trạch vào sáng 7-5.
Trong một diễn biến khác, sáng qua tại khu vực biển xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện vệt nước màu sẫm kéo dài hàng kilômet và chiều rộng vài trăm mét.
Theo các ngư dân đi biển, vệt nước này có từ khoảng 6g-7g sáng cho đến trưa thì không còn.
Trao đổi qua điện thoại, ông Dương Tất Thắng – phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – nói: “Cơ quan chức năng cùng với cán bộ huyện đã ra kiểm tra và nhận thấy có vệt nước màu sẫm khác thường so với màu nước biển xung quanh. Trung tâm quan trắc của Sở TN-MT tỉnh có lấy mẫu để kiểm định”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tất Thắng cho biết ông trực tiếp tham gia với đoàn của Bộ TN-MT đến hiện trường vùng biển xã Kỳ Xuân.
Chính ông và một số chuyên gia, nhà khoa học chứng kiến vệt nước biển có màu sắc khác thường kéo dài khoảng 2km ở vùng biển này.
“Để tiếp cận vệt nước, chúng tôi phải đi tàu đánh cá của người dân. Một số ngư dân lặn sâu xuống biển thì thấy màu nước đen hơn” – ông Thắng nói.
Buổi chiều, ngư dân Phạm Văn Dũng (31 tuổi, ở xã Kỳ Xuân) dùng tàu lớn đưa một số phóng viên, trong đó có phóng viên Tuổi Trẻ, tiếp cận vệt nước biển có màu sẫm.
Tàu chạy được hơn 1 hải lý, anh Dũng chỉ tay xuống biển nói: “Lúc sáng vệt nước biển có màu sậm hơn nhưng đến chiều thì nhạt dần”. Theo anh Dũng, anh chưa bao giờ thấy nước biển ở vùng này có hiện tượng bất thường như vậy.
Thiết kế cơ sở ống ngầm của Formosa đã được thẩm định Chiều 6-5, trả lời báo Dân Trí, ông Lương Duy Hanh – cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường), phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa – nói: “Toàn bộ đường ống của họ (Formosa) tự ý xây, không có thiết kế cơ sở”. Thông tin này sau đó được gỡ xuống, nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ trước đây, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định: “Đường ống ngầm của Formosa đã được Bộ TN-MT chấp thuận từ trước khi Formosa xây. Đây là đường ống hợp pháp… chứ không phải đường ống xả trộm”. Trước thông tin thiết kế cơ sở đường ống ngầm của Formosa chưa được thẩm định, trả lời Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Công thương nói bộ này mà trực tiếp là Vụ Công nghiệp nặng đã thẩm định thiết kế cơ sở dự án Formosa. Tuy nhiên, quan chức này từ chối cho biết chi tiết, chỉ nêu việc thẩm định được thực hiện đúng quy định pháp luật. Tương tự, về hoạt động xây dựng đường ống xả thải của Formosa, một lãnh đạo của Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết việc giám sát hoạt động xây dựng này nằm trong quy chế hoạt động khu công nghiệp. Nếu có hoạt động xây dựng ống xả thải trái quy định thì đơn vị giám sát là ban quản lý do một phó chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm. NHÓM PV |
VĂN ĐỊNH – L.GIANG – QUỐC NAM/TTO
Bình luận (0)