Gần 45% trẻ em (TE) phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng; tương tự gần 40% TE phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao ảnh hưởng đến sức khỏe và trên 27% bị ảnh hưởng của hóa chất độc, ô nhiễm không khí, hơi, khí độc hại nơi làm việc. Đó là kết quả của một trong 3 nghiên cứu mới nhất về tình trạng TE phải lao động sớm trong điều kiện độc hại và nguy hiểm ở VN.
Ba nghiên cứu đã mô phỏng một bức tranh chung về thực trạng TE phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm ở VN hiện nay vừa được công bố. Nghiên cứu này do Viện Gia đình và Giới, Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và giới (Viện Khoa học LĐXH) và Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Hội Y học lao động VN) tiến hành thu thập điều tra tại 8 tỉnh, thành và ở 3 làng nghề.
Điều kiện làm việc tồi tệ
Báo cáo của của Viện Gia đình và Giới cho thấy trong cả 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) đều có những công việc lao động (LĐ) TE đang làm việc với điều kiện không đảm bảo, thậm chí được xem là nguy hiểm và tồi tệ như trẻ phải đi biển ở Quảng Ninh, khai thác đá ở Hà Tĩnh, chế biến cá ở Quảng Nam, khai thác mủ cao su ở Gia Lai, làm việc trong các lò gạch ngói ở An Giang và làm việc nhiều giờ trong điều kiện tồi tàn tại các xưởng may tư nhân, sản xuất chế biến tư nhân tại Hà Nội, TP.HCM. Thậm chí, trẻ em còn bị lôi kéo và lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như vận chuyển hàng lậu, ma túy. Cháu gái RLan HDoan (15 tuổi) đã bỏ học 2 năm ở xã IaKla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: “Công việc hàng ngày của cháu là dậy từ 2 giờ sáng sau đó vào rừng cao su cạo mủ mất từ 3-6 giờ. Trong rừng cao su rộng và tối nhưng lại vắng người nên cháu rất sợ kẻ xấu làm bậy. Cháu không biết lấy mủ cao su có độc hại gì nhưng cháu thường xuyên bị đau đầu và đau bụng”.
Nghiên cứu cho thấy, LĐTE làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thường phải chịu sự mắng nhiếc của người lớn trong gia đình, còn LĐTE làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hay dịch vụ thì phải chịu sức ép từ phía những người chủ như quát nạt, quỵt lương, thậm chí đe dọa trong quá trình làm việc.
Vắt kiệt sức
Một bé gái 13 tuổi quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm việc cho một cơ sở may cho biết, công việc em rất cực nhọc. Em đã làm ở đây hơn một năm. Hàng ngày dậy từ 6h30, làm việc suốt từ 7h30 đến trưa, nghỉ 1 giờ để ăn cơm rồi chiều lại làm đến 6h, có hôm đến 19-20h tối. Bé gái này thổ lộ: “Chúng cháu rất mệt và thường xuyên buồn ngủ. Bà chủ rất ghê, nhắc nhở suốt ngày, chúng cháu không dám lơ là công việc. Cả tuần, cháu được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. Cháu rất mệt mỏi và nhớ nhà nhưng cũng không biết làm thế nào. Ở thành phố này cháu không quen ai, cháu không biết đường, ít ra thì ở đây cháu cũng có chỗ ăn nghỉ. Mỗi tháng cháu dành dụm và gửi về quê cho mẹ được 300.000 đồng, như thế cũng là nhiều lắm rồi, trước kia khi cháu ở nhà, cháu chưa bao giờ có được nổi 100.000 đồng”.
Cháu Nguyễn Thị Hoa (13 tuổi) làm việc tại một xưởng may tư nhân ở huyện Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: “Cháu đã làm ở đây được hai vụ rồi. Năm ngoái, bác chủ nhà bảo mẹ cháu nếu làm tốt thì từ tháng 9 đến Tết âm lịch sẽ được nhận 5-6 triệu đồng tiền lương do bác ấy giữ hộ. Hàng tuần cháu được lĩnh 20.000 – 30.000đ (số tiền này cháu chỉ dùng ăn sáng và tiêu vặt). Chúng cháu làm việc rất vất vả, đến tận 12 giờ đêm mới đi ngủ, sáng sớm 5-6 giờ lại làm tiếp. Nhưng đến cuối năm, bác chủ nhà bảo hàng ế, người ta chịu tiền, chưa trả nên bác chỉ đưa cháu 100.000đ tiền về quê. Cháu muốn tìm chỗ khác, nhưng cứ phải làm ở đây để đòi lại số tiền năm ngoái!”.
Kết quả nghiên cứu tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy, các nghề mà LĐTE đang làm việc là những công việc giản đơn, không đòi hỏi tay nghề hay trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Thời gian làm việc bình quân theo ngày của LĐTE phổ biến ở mức từ 4-5 giờ. Nhóm LĐTE làm thuê có thời gian làm việc trong ngày nhiều nhất trong số LĐTE với thời gian làm việc trên 6 giờ/ ngày, thậm chí tại những cơ sở may, chế biến thực phẩm vào mùa vụ sản xuất có thể làm việc tới 8-9 hoặc 10-12 giờ/ ngày.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)