Sleep box, tức hộp ngủ, từ một giải pháp phòng ngủ tạm thời được thuê trong một giờ hoặc một đêm, nay là một kiểu 'phòng trọ' được ưa chuộng tại TP.HCM. Lý do: giá thành rẻ, chưa tới 2 triệu đồng/tháng.
Thuê trọ ở TP.HCM: Phân tầng mức sống
Về khái niệm, sleep box khác với những "coffin homes" nếu xét góc độ mục đích sử dụng không gian (coffin homes, tức phòng trọ quan tài, xuất hiện vào cuối những năm 1950 tại Trung Quốc do những người chủ sử dụng lao động cung cấp cho lao động di cư. Có tên gọi này vì chúng rất nhỏ và chật hẹp, như một cái quan tài, không đủ các tiện nghi và điều kiện sống cơ bản. Thế giới thường thấy hình ảnh coffin homes ở Hồng Kông và đây cũng được coi là biểu tượng của sự bất bình đẳng tại đây – PV).
Tuy nhiên, cả 2 loại này đều giống ở điểm cung cấp chỗ nghỉ ngơi siêu nhỏ. Hồi tháng 10.2020, Thanh Niên có phóng sự Phòng trọ "quan tài" nói về những căn phòng giá 600.000 – 900.000 đồng/tháng cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, sleep box hiện nay là một hình thức trọ phổ biến và có phần "sang" hơn. Chúng tôi đã khảo sát thực tế mô hình này tại nhiều nơi ở TP.HCM.
"Bước ra, mới biết ngày mới đến"
Từ bài đăng cần nhượng sleep box của chị Nguyễn Oanh trên một nhóm có tên "Cho thuê phòng trọ Sleep box TP.HCM", chúng tôi tìm tới. Đó là một căn nhà gồm 1 trệt và 4 tầng, nằm ở P.Tân Quy, Q.7 mà nếu nhìn từ ngoài vào sẽ không biết bên trong có thuê sleep box và đông người đến vậy.
Các hộp ngủ xếp chồng lên nhau tại một căn nhà cho thuê sleep box ở Q.7. PHAN THU HOÀI
Tầng trệt là chỗ để xe máy. Từ tầng 2 – 4 với 6 phòng, chủ nhà dành 5 phòng để thiết kế thành 40 cái sleep box, mỗi phòng có 8 hộp ngủ được xếp chồng lên nhau, có tủ lạnh và tủ locker sắt để đựng đồ cá nhân. Riêng tầng 4 dành một phòng để làm nhà bếp và tầng 5 là sân thượng để giặt giũ, phơi đồ.
Chị Oanh nói, nếu các sleep box có người thuê hết thì tất cả 40 người sẽ dùng chung một phòng bếp và tầng phơi đồ. Dù hiện nhà không đông đến vậy nhưng có ngày, chị phải xếp hàng chờ đến lượt để vào bếp ăn.
Chị Oanh chỉ chúng tôi chỗ ngủ mà mình muốn nhượng lại. Đó là cái hộp ngủ dài 2 m, rộng 1,2 m, cao khoảng 1,5 m (diện tích 2,4 m2). Các hộp ngăn vách mỏng, không cách âm, có nhiều hộp có thể nhìn thấy bên trong nên nhiều người làm thêm rèm che. Bên trong hộp ngủ, chị để được một bộ chăn gối nệm cùng vài vật dụng cá nhân lẻ tẻ. Hồi chị nhận phòng, sleep box trống trơn, chỉ có cây quạt và ổ cắm điện được kéo bằng đường dây điện nổi.
Sleep box của chị Oanh thuê với giá 2,6 triệu đồng/tháng, trọn gói. Nhưng ký hợp đồng 1 năm, chủ nhà giảm giá từ 2,6 triệu đồng còn 2,1 triệu đồng/tháng. Ở mới một tháng, chị chịu không nổi và muốn chuyển đi. Nhưng sợ mất cọc, chị mới đăng tin nhượng lại.
Hỏi thăm biết chị Oanh là công nhân, mới từ dưới quê Tiền Giang lên TP.HCM. Lương chỉ 5 triệu đồng/tháng, lạ nước lạ cái, chị tìm mãi thấy giá phòng cao quá nên khi biết chỗ ở 2 triệu bao trọn gói nên chị ưng ngay.
Một hộp ngủ riêng tư hơn tại Q.Bình Thạnh với giá 1,4 triệu đồng/tháng. LÊ HUỲNH
Hỏi lý do muốn nhượng lại, chị kể rằng chị không nghĩ mình sẽ làm quen sớm với… cái quan tài. Trừ những bất tiện sinh hoạt, mỗi khi chui vào cái hộp, chị nghe được từng cái tặc lưỡi, từng tiếng la của các sinh viên thuê cùng, tiếng nhai đồ ăn lẫn trong tiếng ngáy của ai đó mỗi tối. Ở trong cái hộp ngủ, nhiều khi chị quên mất thời gian đêm ngày. Khi chuông báo thức kêu, chị bước ra và mới biết là ngày mới đến.
"Dưới quê, đó giờ tôi chưa thấy cảnh này, ruộng nương, vườn tược có đủ… Không phải kinh tế khó khăn thì không ai bon chen kiếm sống làm gì. Lên đây lại không có nhà ở, tôi tính phải tiết kiệm 20 năm tiền lương trước thuế mà không tiêu tiền đó vào chuyện gì, thì mới được 1,2 tỉ đồng và may mắn kiếm được căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Nhưng làm gì được, tiền thuê nhà đã gần phân nửa lương rồi", chị Oanh chia sẻ và nói rằng dẫu thế nào, chị cũng cố gắng giữ tinh thần lạc quan và "hy vọng tìm cách cải thiện hoàn cảnh của mình trước khi chui vào cái quan tài thật sự".
"3 phần bực bội, 7 phần… như 3"
Thuê một sleep box ở Q.10 với giá 2 triệu đồng/tháng (trọn gói) nhưng mới 3 tháng, Nguyễn Thành Vỹ (23 tuổi) đã muốn chuyển đi. Vỹ nói mới ra trường, nên muốn tiết kiệm chi phí, vả lại nhiều sleep box hiện nay cũng mới, sạch sẽ.
Nhưng với dáng cao, Vỹ di chuyển trong cái hộp nhỏ khoảng 2 m2 như một cực hình. Không gian sống bị bó hẹp và không riêng tư, Vỹ kể vì ở chung chạ nhiều thành phần nên cũng có nhiều người rủ rê hút thuốc, đi chơi khuya, thậm chí hát hò và nói chuyện điện thoại rất ồn ào lúc nửa đêm. Chưa kể vấn đề vệ sinh không được đảm bảo, nhiều lần Vỹ về phòng, không dám tắm vì ám ảnh mùi hôi nhà vệ sinh.
Bên trong sleep box. PHAN THU HOÀI
"Nhà vệ sinh, nhà bếp dùng chung nên đồ đạc lẫn lộn, nhiều người không có ý thức để vật dụng lộn xộn, mất vệ sinh, phản ánh thì không ai nhận. Điều quan trọng hơn hết là tính an toàn, mình từng bị lấy mất 1 triệu đồng mà không biết ai là người lấy", Vỹ cho hay và nói thêm: "Mình tự thấy bản thân từ người khá vui vẻ, hòa đồng, sau 3 tháng ở sleep box, tinh thần mình thường không ổn định. Ở trong không gian hẹp lâu khiến mình như mất đi năng lượng với thế giới bên ngoài".
Trong khi đó, Cẩm Ly (21 tuổi, ngụ Q.11), sinh viên năm cuối của một trường đại học tại TP.HCM cũng cho biết cô đã từng ở 2 năm trong sleep box với giá 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chẳng đặng đừng.
Kể ra những ưu điểm như có sẵn máy giặt, máy lạnh, nước nóng, nhà bếp…, cô gái trẻ cũng nhớ lại những ngày mình đợi tới lượt vào bếp để cắt vài miếng dưa leo rồi chui vào cái hộp ngủ để đắp mặt nạ thế nào. Không gian ăn uống, học tập của Ly cũng là cái giường ngủ. Cô chưa bao giờ được bước ra khỏi giường trong… phòng của mình.
"Em cứ nghĩ đến gia cảnh mình phải nuôi con ăn học ở thành phố nên thôi cứ bấm bụng mà chịu đựng, nhưng ngày nào chui vào cái hộp cũng sẽ có chuyện bực bội, nên nhiều lúc em chỉ mong dịp hè, tết để về quê chạy nhảy. Ở sleep box 3 phần bực bội, 7 phần còn lại cũng như 3… Em thấy nếu không có đủ chi tiêu thì mình nên cố gắng tìm bạn thuê cùng", Ly nói. (còn tiếp)
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho rằng sleep box là loại hình vốn dĩ giải quyết nhu cầu ở ngắn ngày, nếu nay thành một loại hình phòng trọ thì chứng tỏ là thị trường đang "đẻ" phân khúc khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người thuê, bản chất đó cũng là tính năng động của thị trường. Ông Lộc cũng cảnh báo về xu hướng "ngược", bởi cách đây 10 năm thì phòng trọ hẹp được cải tạo rộng ra, mức diện tích tối thiểu đã được quy định. Nhưng nếu bây giờ không gian thu hẹp, chi phí tăng thì người dân có thể đang cảm thấy đuối sức về việc thuê trọ. Về lâu dài, ông Lộc cho biết cần có những chính sách tổng thể, bền vững hơn để tránh sức ép nguồn cung khi nhu cầu lớn (lượng người lao động di cư đổ về đô thị). Đồng thời, cần quan tâm hơn đến phòng, nhà phân khúc giá trị thấp để đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian ngủ, sống, phục hồi sức khỏe… |
Theo Phạm Thu Ngân – Phan Thu Hoài/TNO
Bình luận (0)