Giữa bạt ngàn miền sơn cước, ngôi làng hiện ra trước mắt với những ngôi nhà đơn sơ, đậm chất núi rừng. Làng còn nghèo nhưng tinh thần hiếu học hiếm nơi nào có được. Gần 1/3 số dân của làng đang làm nghề giáo.
Ngược lên huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) sau một trận mưa lớn, con đường dẫn về thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận của huyện thật lầy lội và khó đi. Bởi thôn Thanh Sơn nằm sâu trong một thung lũng và được bao quanh bởi những quả đồi cao chót vót. Thôn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và số lượng người theo nghề gõ đầu trẻ.
Thôn Thanh Sơn mới được hình thành khoảng vài chục năm nay, bà con đa số là người thuộc huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương di cư lên đây lập nghiệp. Trước kia là làng Thanh Bôi, sau này đổi tên thành thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận. Hiện tại trong thôn đang thờ một ông giáo có tên là Phạm Văn Được, người đã khởi nguồn cho truyền thống hiếu học của bà con nơi đây.
Theo những người dân trong thôn kể lại, thời kháng chiến chống Pháp, ông Phạm Văn Được di cư từ Hải Phòng về đây sinh sống. Ông học rất giỏi và biết nhiều thứ tiếng nên đã mở lớp dạy học cho con em làng Thanh Sơn từ những bài vỡ lòng. Được đi học là niềm mơ ước của biết bao đứa trẻ nghèo vùng quê miền sơn cước này.
Cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng các em học sinh rất chăm chỉ và học giỏi, nhiều em còn học lên cao. Các em luôn nuôi ước mơ được trở thành người "gõ đầu trẻ" như thầy giáo Được nên đi học về là các em về quê dạy học cho con em địa phương. Nghề "gõ đầu trẻ" cũng bắt đầu từ đó.
Chị Lê Thị Quyên, giáo viên mầm non, mong muốn hai con mình sau này theo nghiệp giáo viên.
Hiện nay, thôn Thanh Sơn có 298 hộ gia đình với khoảng 1.100 nhân khẩu, trong đó có đến gần 1/3 số người theo nghề giáo. Nhiều hộ gia đình có cả con dâu và con rể làm nghề giáo viên, thậm chí có những hộ gia đình có từ 3 – 4 thế hệ theo nghề giáo. Trong đó phải tính đến gia đình ông Nguyễn Văn Lắm với 7 người con làm giáo viên, gia đình ông Lê Văn Tậy với 6 người con làm giáo viên, gia đình ông Bùi Xuân Lộc có 3 người con làm giáo viên… Riêng gia đình nhà ông Nguyễn Văn Lắm đã có 2- 3 thế hệ làm nghề giáo. Hiện tại các con ông vẫn đang nối nghiệp "gõ đầu trẻ" của gia đình.
Thầy giáo Trịnh Ngọc Cường, giáo viên dạy tiểu học, tâm sự: “Ngày xưa nơi đây còn đói lắm, cái ăn cái mặc luôn chạy từng bữa, nhưng bố mẹ vẫn cho anh em chúng tôi đến trường. Thương bố mẹ, tôi quyết định thi vào trường sư phạm để sau này được về dạy chữ cho con em nghèo ở quê hương. Và hiện nay, lớp lớp đàn em cũng đang nối tiếp truyền thống này nên tôi rất tự hào".
Năm này qua năm khác, đội ngũ giáo viên của thôn Thanh Sơn ngày một nhiều, dẫn đầu trong toàn xã, huyện. Anh Bùi Xuân Lộc, thôn phó thôn Thanh Sơn chia sẻ: "Làng chúng tôi đến nay vẫn đang còn nghèo lắm, nhiều gia đình còn phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học ở đây lại rất cao. Làng dù đói cái ăn, cái mặc chứ nhật định không để đói cái chữ, để con phải bỏ học giữa chừng đâu".
Làng "gõ đầu trẻ" Thanh Sơn là một trong những làng thuộc diện nghèo của xã Phú Nhuận, bởi điều kiện địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn nên người dân còn phải sống trong cái nghèo, cái khổ. Mặc dù vậy, nói về sự học thì thật khó nơi nào có được tinh thần học như ở đây.
Một năm, thôn Thanh Sơn có khoảng vài chục em học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, trong đó nhiều em đậu với số điểm khá cao. Riêng năm học 2009 – 2010, thôn có 23 em học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng…, 160 em học sinh được khen thưởng cuối cấp, 6 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2009, làng vinh dự có hai học sinh được dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Những đứa trẻ nơi đây luôn có niềm đam mê học chữ.
Chị Lê Thị Quyên, một giáo viên mầm non của làng tâm sự: "Ở đây thà đói ăn chứ không thể để cho con cái bị "đói cái chữ". Từ trước đến nay, trong làng không có một đứa trẻ nào phải bỏ học giữa chừng hay không được đi học vì kinh tế khó khăn cả. Bởi, dân làng sẽ không để yên cho những gia đình không cho con đi học đâu".
Làng “gõ đầu trẻ” còn tự hào về những người làm nghề giáo với những danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, trong đội ngũ giáo viên ấy có cô giáo Trần Thị Hà, dạy bộ môn Văn của Trường THCS Phú Nhuận, năm nào cô cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và thường xuyên bồi dưỡng môn Văn cho các em học sinh dự thi học sinh giỏi.
Rời làng "gõ đầu trẻ" nghèo miền sơn cước, chúng tôi thật khâm phục tinh thần hiếu học vượt qua cái đói, cái nghèo của người dân nơi đây. "Cả đời chúng tôi làm ruộng lam lũ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, vì vậy dù nghèo đến mấy chúng tôi cũng phải cho các con được học hành thành người", ông Lê Văn Tậy bày tỏ.
Theo Lan Anh
(Dân trí)
Bình luận (0)