Hội nhậpThế giới 24h

Thung lũng Silicon chao đảo vì vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai lịch sử Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Silicon Valley Bank (SVB), một trong những nhà cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ, đã phá sản hôm 10.3, buộc chính phủ Mỹ phải can thiệp.

Báo The New York Times (NYT) đưa tin Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, ngày 10.3 cho biết họ sẽ tiếp quản SVB, ngân hàng 40 năm tuổi có trụ sở tại hạt Santa Clara, thuộc bang California. Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ và lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Động thái này đặt gần 175 tỉ USD tiền gửi của khách hàng tại SVB, ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vụ việc tạm thời chưa gây ra lo lắng về những tác động nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực tài chính hoặc nền kinh tế toàn cầu, theo NYT.

Sự sụp đổ của SVB xảy ra hai ngày sau khi hàng loạt khách hàng – chủ yếu là người làm trong lĩnh vực công nghệ và các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm – đồng loạt rút tiền tại ngân hàng. Theo Financial Times, chỉ trong một ngày 9.3, tổng số tiền bị rút ra đã lên đến 42 tỉ USD, tương đương 1/4 tổng số tiền gửi tại SVB. Cùng lúc, cổ phiếu của ngân hàng lao dốc trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của các khoản đầu tư mà họ nắm giữ đã gây sốc cho Phố Wall và những người gửi tiền.

Theo AP, sức khỏe tài chính của SVB ngày càng bị nghi ngờ trong tuần này sau khi ngân hàng công bố kế hoạch huy động tới 1,75 tỉ USD để củng cố vị thế vốn của mình trong bối cảnh có những lo ngại về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng cũng như về hiện trạng nền kinh tế. Song nỗ lực huy động vốn đã thất bại và ngân hàng buộc tìm cách bán lại chính mình, theo CNBC.

Ngân hàng, với tài sản trị giá 209 tỉ USD vào cuối năm 2022, đã làm việc với các chuyên gia tài chính cho đến sáng 10.3 để tìm người mua lại, các nguồn tin nắm rõ quá trình đàm phán nói với NYT. FDIC đã không công bố người mua tài sản của SVB, việc thường xảy ra khi có một ngân hàng ngừng hoạt động theo trình tự.

SVB là một trong những kênh tài chính chủ chốt cho các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm. Các công ty này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong 18 tháng qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và khiến các tài sản công nghệ rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Theo AP, các công ty gặp khó khăn đã được khuyến cáo rút ít nhất số tiền tương đương chi phí vận hành trong 2 tháng từ SVB.

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)