Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thủng màng nhĩ vì lấy ráy không đúng cách

Tạp Chí Giáo Dục

Sử dụng tăm bông, cây lấy ráy tai bằng kim loại… để lấy ráy tai là thói quen hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, thói quen này lại có thể gây tổn thương da ống tai, màng nhĩ, tiềm ẩn nguy cơ nghe kém, thậm chí mất thính giác.

Ráy tai chỉ hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, sát màng nhĩ hoàn toàn không có (ảnh bệnh viện cung cấp)

Những thực tế nguy hại

Cách đây không lâu, chị Thanh Giang (30 tuổi, nhà ở quận 3) phải đến Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám tai do bị chảy mủ tai bên trái, kèm theo đau nhức, thính giác có phần giảm. Tại đây, chị Giang được các bác sĩ khám, nội soi, chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ bên trái. Nguyên nhân do trong quá khứ chị thường lấy ráy tai bằng vật cứng và làm thủng màng nhĩ. Với tình trạng bệnh của mình, bước đầu chị Giang được bác sĩ hút rửa sạch mủ tai, kê đơn thuốc uống kết hợp với thuốc nhỏ tai, đợi tình trạng ổn định rồi tiến tới phẫu thuật vá màng nhĩ. Nếu không điều trị dứt điểm có nguy cơ chảy mủ tai tái phát và thính lực sẽ giảm dần.

Chị Giang chia sẻ: “Mỗi lần tắm xong tôi thường sử dụng tăm bông lau khô tai. Còn bình thường, để làm sạch ráy tai, tôi sử dụng cây móc tai bằng kim loại. Cứ vài ngày tôi lấy một lần vì ngứa ngáy khó chịu nhưng không ngờ lại gây ra tác hại nghiêm trọng đến vậy”. Chị Giang chia sẻ thêm, dấu hiệu lỗ tai mưng mủ, kèm theo đau nhức đã xuất hiện từ vài tháng trước. Cứ nghĩ vết thương không nghiêm trọng nên chị đã nhiều lần tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và thuốc nhỏ nhưng bệnh không bớt. Nhận thấy bệnh tình ngày càng nặng, chị mới đến bệnh viện khám.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thủy, 38 tuổi, quê ở Bình Phước cũng vất vả nhiều tháng nay đi lại giữa Bình Phước và Bệnh viện Tai – Mũi – Họng TP.HCM chữa viêm tai giữa mà chưa khỏi hẳn. Nguyên nhân dẫn đến viêm cũng vì thói quen dùng cây lấy ráy tai bằng kim loại để lấy ráy tai khiến cho màng nhĩ bị thủng.

Theo chị Thủy, chị luôn có cảm giác tai không được sạch sẽ nếu không loại bỏ ráy tai vì thế đều đặn mỗi tuần chị đều dùng móc bằng kim loại để làm sạch chất này. Trong quá trình lấy, thỉnh thoảng có cảm giác lỗ tai bị đau rát nhưng thiết nghĩ do mạnh tay mới khiến tai bị đau và sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau một vài lần, những cơn đau xuất hiện nhiều hơn, kéo theo đó có mủ xuất hiện. Được bác sĩ kê đơn thuốc uống và nhỏ đã mấy tháng nay nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa thuyên giảm khiến chị vô cùng lo lắng.

Không nên tự ý dùng bất kì vật gì để lấy ráy tai

Liên quan đến các bệnh tình trên, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan, giảng viên Bộ môn tai mũi họng Đại học Y dược TP.HCM, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khuyên: “Không nên tự ý sử dụng các vật cứng để lấy ráy tai, mọi triệu chứng khó chịu về tai, nên nhờ sự thăm khám của bác sĩ tai mũi họng. Nếu thăm khám cho thấy ráy tai quá nhiều gây khó chịu cho bệnh nhân, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc làm mềm ráy tai hoặc dùng các dụng cụ chuyên biệt để lấy hoặc hút ráy tai ra ngoài”.

Sử dụng tăm bông, cây lấy ráy tai bằng kim loại… để lấy ráy tai có thể gây tổn thương da ống tai, màng nhĩ, tiềm ẩn nguy cơ nghe kém, thậm chí mất thính giác

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan, giảng viên Bộ môn tai mũi họng Đại học Y dược TP.HCM, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khuyên: “Không nên tự ý sử dụng các vật cứng để lấy ráy tai, mọi triệu chứng khó chịu về tai, nên nhờ sự thăm khám của bác sĩ tai mũi họng. Nếu thăm khám cho thấy ráy tai quá nhiều gây khó chịu cho bệnh nhân, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc làm mềm ráy tai hoặc dùng các dụng cụ chuyên biệt để lấy hoặc hút ráy tai ra ngoài”.

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, da ống tai ngoài có các tuyến tiết ra ráy tai có màu vàng nâu giống sáp. Đây là chất có lợi đối với cơ thể vì nó có chức năng bôi trơn cho da ống tai chống khô da, ngứa da, đồng thời còn có tính kháng khuẩn và kháng nấm. Ở hầu hết trường hợp, ráy tai sẽ được vận chuyển ra ngoài khỏi ống tai nhờ cơ chế tự làm sạch của ống tai, nên không cần thiết phải ngoáy tai để lấy ráy tai. Chỉ một số trường hợp, ráy tai bị ứ đọng lại trong ống tai và gây nên triệu chứng bệnh.

Việc dùng vật cứng như tăm bông, cây móc tai… để ngoáy tai là thói quen không đúng ở nhiều người. Các vật cứng này có thể gây tổn thương da ống tai, tổn thương màng nhĩ và làm rối loạn cơ chế tự làm sạch của ống tai. Hơn thế nữa, việc dùng tăm bông ngoáy tai khiến phần lớn ráy tai bị đẩy sâu vào sâu trong ống tai, chỉ một phần nhỏ ráy tai dạng ướt là dính vào tăm bông và được lấy ra ngoài. Dần dần ráy tai bị tích tụ trong ống tai gây các triệu chứng như nghe kém, đau tai, ù tai, đầy nặng tai, và nhiều tình trạng bệnh lý phức tạp khác.

Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)