Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Thùng rác Nhật làm khó du khách Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu đến Nhật Bản, thấy tôi loay hoay chụp hình mấy cái thùng rác, có người thắc mắc: cảnh đẹp sao không chụp mà đi chụp hình thùng rác? Tôi cười: thùng rác ở đây vừa đẹp, vừa lạ.

“Ma trận” thùng rác ở Nhật
“Ma trận” thùng rác ở Nhật
Đơn giản và phức tạp
Thùng rác thì có gì lạ, chỉ là cái thùng để người ta ném rác vào, vậy thôi! Không đơn giản như vậy, cũng ném rác vào thùng, nhưng cái thùng rác ở Nhật Bản khá thú vị. Ở xứ ta, theo thói quen xưa nay, tất cả các loại rác đều gom hết vào chỉ 1 thùng hoặc túi xốp. Bỏ rác như vậy đúng là tiện.
Thế nhưng có điều tiện mà không lợi, vì nó biến thành câu chuyện khá phức tạp cho các nhà máy xử lý chúng. Phân loại một đống rác “thập cẩm” quả là gian nan và tốn kém. Chính vì lẽ đó, ở các nước phát triển, người ta nghĩ ra cách phân loại rác ngay từ “đầu vào” bằng cách thiết lập nhiều thùng rác khác nhau để tiếp nhận. Chính điều này đã khiến nhiều du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài không khỏi bối rối.
Điều chỉnh thói quen
Bỏ rác vào thùng là thể hiện nếp sống văn minh. Tuy nhiên, ở VN có một số người ném rác theo quán tính, bạ đâu ném đó, lâu ngày thành thói quen khó sửa mà cũng chẳng thấy ai phạt. Đó là lý do giải thích vì sao đi đến đâu người ta cũng thấy rác, kể cả trên quốc lộ hoặc đường cao tốc. Thế nhưng khi đi du lịch nước ngoài, hành vi ném rác bừa bãi có thể lãnh giấy phạt nếu bị phát hiện.
Như ở Singapore chẳng hạn, vứt cái tàn thuốc xuống đường bị phạt 100 đô la, khỏi năn nỉ hoặc hối lộ cho qua. Còn nếu vứt rác bừa bãi trên đất Nhật, có thể không bị phạt nhưng người bản địa nhìn bạn với cặp mắt không lấy gì làm thiện cảm và cho rằng bạn là người thiếu giáo dục.
Do vậy, người Việt khi du lịch nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản, phải nhanh chóng điều chỉnh hành vi nhằm thích ứng với môi trường sống của họ. Nên nhớ, môi trường sống ở nước Nhật thuộc vào hàng sạch nhất thế giới.
Thùng rác Nhật làm khó du khách Việt - ảnh 2

Người Nhật “thu hoạch” rác – ẢNH: ĐOÀN XUÂN HẢI

Gạt tàn thuốc và “ma trận” thùng rác
Nếu ở VN bạn dễ dàng nhận thấy người ta ném tàn thuốc tứ tung, thì ở Nhật khác hẳn. Người Nhật không hút thuốc khi đang đi bộ trên đường hoặc đang lái xe. Chỉ khi nào dừng lại ở một nơi cho phép thì họ mới hút. Nếu nơi đó không có thùng rác, họ sẽ dụi điếu thuốc lá trong một cái “gạt tàn bỏ túi” cá nhân.
Khi nào về đến nhà, họ sẽ trút cái gạt tàn ấy vào thùng rác. Sự tinh tế ấy cũng được người Nhật áp dụng vào các thùng rác công cộng.
Ở nhiều phi trường quốc tế trên thế giới, người ta bố trí 3 thùng rác kề bên nhau. Những thùng rác này được phân loại để du khách bỏ các loại rác tương ứng vào. Tại những nơi sinh hoạt công cộng ở Nhật Bản như: công viên, quảng trường, khu vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng chân trên quốc lộ… số lượng thùng rác còn nhiều hơn, cũng được phân loại để du khách bỏ rác vào, bao gồm: rác giấy các loại, rác bao ni lông và túi xốp, rác chai nhựa, rác chai lọ thủy tinh, rác lon nhôm, rác thức ăn thừa…
Riêng rác thức ăn thừa, chúng ta phải làm 2 động tác, ví dụ ăn còn dư nửa tô mì thì trút nó vào thùng rác thực phẩm, xong đem cái tô ấy bỏ vào thùng khác. Hầu hết các thùng rác này đều ghi bằng tiếng Nhật, tuy nhiên để dễ nhận biết, nhất là đối với du khách nước ngoài, người ta in hình các loại rác ấy lên trên thùng.
Phần lớn du khách VN ngày đầu đến Nhật đều bỏ rác theo quán tính “thùng nào cũng là thùng”, sau đó mới quen dần. Nói là quen chứ coi vậy cũng có người bỏ nhầm, ví dụ cho vỏ chai nhựa vào thùng rác chai thủy tinh chẳng hạn.
Cũng có du khách bực mình: rác nào cũng là rác, phân loại kiểu này thấy chóng mặt quá! Đúng là nhìn vào dãy thùng rác được phân loại như vậy thấy cũng chóng mặt thiệt. Nhưng đó là sự bối rối cần thiết, giúp những công nhân vệ sinh lấy rác một cách tiện lợi và cho cả những nhà máy xử lý chúng. Vứt rác như vậy mới văn minh.
Sự “mất công” một chút của ta sẽ giúp cho vô số người lao động khác được thuận tiện trong việc xử lý chất thải, điều mà ở VN chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Đoàn Xuân Hải/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)