Tôi thi đậu vào lớp 8 (hệ 10 năm ở miền Bắc) và học niên khóa 1971-1974 tại Trường Cấp 3 Anh Sơn (tỉnh Nghệ An). Ngày 22-12-1972, trong hội trường là ngôi nhà nửa chìm nửa nổi, tôi vinh dự được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Được cài chiếc huy hiệu Đoàn trên ngực trái, tôi vô cùng xúc động, cảm thấy mình lớn lên rất nhiều…
Hoạt động chào mừng ngày thành lập Đoàn 26-3 tại Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM (ảnh minh họa)
Thời điểm đó phong trào Đoàn ở Trường Cấp 3 Anh Sơn rất mạnh cả về hình thức lẫn nội dung; tạo nên một sức sống mạnh mẽ cho tuổi trẻ toàn trường. Bí thư Đoàn trường lúc đó là thầy Hồ Đức Tăng, dạy môn vật lý – đẹp trai, hào hoa phong nhã. Phó Bí thư Đoàn trường là anh Nguyễn Trọng Triên, học trên tôi một lớp. Anh có dáng người thấp đậm và học giỏi, hai năm liền (lớp 8, lớp 9) làm lớp trưởng. Vào học lớp 10 (năm 1972) được gần hai tháng thì anh lên đường nhập ngũ.
Gần đây, tôi tìm gặp được anh Triên trên Facebook, chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm một thời không thể nào quên được! Bài thơ của anh đọc trong buổi lễ chào cờ đầu tuần năm nào mà bao người còn nhớ: “Chủ nhật ra đi mới nực cười/ Gồng gồng, gánh gánh, bó chè tương/ Ngúc ngắc ngủng ngẳng nồi với củi/ Nghĩ ra cho hết vẫn yêu đời”.
Chiều chủ nhật, dọc đường số bảy, có hàng trăm học sinh từ các xã vùng xa xuống xã Long Sơn, Thạch Sơn (nơi trường sơ tán) để trọ học. Phải mang gạo ngô (cơm độn), muối vừng, nhút, chè xanh để ăn uống, sinh hoạt vừa đủ một tuần. Gian khổ vậy mà chúng tôi, học trò xứ Nghệ, vẫn học tốt và rèn luyện tốt. Được như vậy, bên cạnh sự cố gắng của bản thân là nhờ vai trò của Đoàn trường đã tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua mọi gian khổ, thử thách, xứng đáng là người đoàn viên…
Công việc của Đoàn luôn được đưa ra, nhắc nhở trong lễ chào cờ đầu tuần. Đó là phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, lớp học, hầm hào quanh lớp. “Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện” là khẩu hiệu của trường tôi thuở ấy. Mọi người đều tự giác nhặt rác bỏ vào sọt rác ven đường đi. Trên các nóc hầm trú ẩn, trên bờ công sự bao quanh lớp; các bạn nữ mang hoa mười giờ đến trồng vừa giữ đất khỏi xói lở vừa nở hoa rất đẹp. Lớp nào cũng có bồn hoa, có vườn cây thuốc Nam rất ngay ngắn, luôn được chăm sóc tươi tốt… Phong trào học giỏi, trung thực trong học tập đã góp phần rèn luyện đức tính trung thực, dũng cảm cho chúng tôi. Thà bị điểm kém chứ không bao giờ có hành vi gian dối, gian lận trong học tập! Nếu bị phát hiện, sẽ bị hạ hạnh kiểm và không được xét kết nạp Đoàn suốt niên khóa. Nhờ đó mà kiến thức là của mình được khắc sâu, nhớ lâu và vận dụng được nhiều trong cuộc sống. Bảo quản hầm hào luôn sạch sẽ, an toàn cũng là nhiệm vụ; là tiêu chí thi đua của học sinh thời chiến. Khi được phân công, sáng thức dậy sớm, đi đến trường lúc còn mờ sương. Xuống hầm quét dọn và kiểm tra có rắn, rết, chuột… ban đêm rơi xuống không. Kiểm tra cáng, thuốc đỏ, bông băng cá nhân dự phòng còn đầy đủ không. Sau đó ghi chép và báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm. Tất cả các công việc của mỗi người đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tự giác.
Các phong trào khác như thi đua biểu diễn văn nghệ giữa các chi đoàn; tuy cây nhà lá vườn nhưng cũng thật rôm rả, tạo nên sự hưng phấn trong học tập, sinh hoạt. Các dịp lễ lớn như Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 (sau này gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam), ngày thành lập Đoàn (26-3)…, các chi đoàn thường chung tay làm báo tường, thi báo tường trong Đoàn trường thật vui. Các phong trào thể thao của Đoàn trường thực sự có chất lượng, luôn hào hứng và lôi cuốn được đông đảo đoàn viên cũng như lan tỏa, lôi cuốn thanh niên địa phương tham gia. Những trận bóng đá sôi nổi, đầy tiếng hò reo cổ vũ tưởng chừng như còn vọng mãi tới bây giờ!
Thời đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đời sống vật chất có thể thiếu thốn nhưng đời sống tinh thần luôn tươi vui, dư dả. Chúng tôi say mê học tập, say mê rèn luyện và sẵn sàng tòng quân theo bước chân của các anh chị khóa trước. Năm 1974, tôi mang theo tinh thần của người đoàn viên lên đường nhập ngũ khi đang ôn thi vào đại học. “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”, đó là câu thơ cũng là khẩu hiệu của tuổi trẻ một thời được trui rèn trong gian nan, thử thách.
Khi nhắc phong trào Đoàn của trường mình ngày xưa, anh Triên tự hào nói: Chỉ có tuổi trẻ, một khi mang hoài bão, lý tưởng và khi có Đoàn dìu dắt thì đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần với tinh thần “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên!”.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)