Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc chống nôn dạng cao dán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nôn là động tác do các cơ thành bụng đột nhiên co bóp mạnh, cơ tiền vị của dạ dày mở ra, các cơ dạ dày co thắt mạnh tống dịch, thức ăn trong dạ dày lên miệng và ra ngoài. Trước khi nôn thường có cảm giác buồn nôn và nếu làm mất cảm giác này thì sẽ không nôn.

 Cao dán chống say tàu xe – Ảnh: T.T.D.
Buồn nôn và nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân thường gặp là do say tàu xe, máy bay hay nói chung là do đang ở trong môi trường có sự chuyển động đột ngột hay ngoằn ngoèo.
Tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe (thính giác) mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay… do có sự chuyển động bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động sẽ làm cho buồn nôn và nôn. Say tàu xe, máy bay còn làm cho chúng ta bị chóng mặt. Vì vậy trước hết có thể làm giảm bớt các kích thích bằng cách: ngồi ở nơi thoáng mát, đầu tựa vào nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no…
Tuy nhiên ở nhiều người bắt buộc phải dùng thuốc chống nôn: dùng thuốc dạng uống hoặc thuốc dạng cao dán (còn gọi là băng dán) lên vùng da phía sau tai.
Dạng cao dán (patch) được đề cập ở đây là dạng thuốc thấm qua da (còn gọi là hệ điều trị xuyên da). Dù chỉ là miếng băng dán mỏng hình chữ nhật hoặc hình tròn nhưng khi dán dính vào da, dược chất trong miếng băng dán (dược chất chống nôn phòng say xe, máy bay là scopolamin) sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu để cho tác dụng toàn thân. Tác dụng toàn thân của scopolamin là giảm sự kích thích, giảm sự co thắt đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn. Đây là dạng thuốc tiện lợi vì duy trì sự cung cấp thuốc liên tục trong thời gian dài. Nếu cần có thể ngưng sự điều trị bằng cách bóc miếng cao dán ra khỏi da.
Cần lưu ý: nên dán vào vùng da khô sau tai ít nhất 4 giờ trước khi lên tàu xe. Như vậy nếu sáng sớm ngày hôm sau khởi hành nên dán vào ngay đêm hôm trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu. Sau khi dán hoặc gỡ miếng cao dán nên rửa kỹ tay. Không dùng thuốc này cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Đối với trẻ em 8-15 tuổi dùng 1/2 miếng dán.     
TS. Nguyễn Hữu Đức (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)