Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thuốc chữa “bệnh lạm thu” bị nhờn?!

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ đến hẹn lại lên, khi năm học mới bắt đầu là tình trạng phụ huynh học sinh lại tái mặt lo các khoản tiền lạm thu ở các trường.
Mặc dù trước khi vào năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các Sở giáo dục đều có công văn yêu cầu “siết chặt” và kiểm  tra giám sát các khoản thu, chi tài chính, các khoản đóng góp đầu năm. Thậm chí, công văn của Bộ Giáo dục còn yêu cầu rất mạnh mẽ là có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị cố ý thực hiện trái những quy định. Tuy nhiên, những “liều thuốc” mà ngành giáo dục đưa ra nhằm “trị bệnh” lạm thu dường như đã nhờn, trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra. Theo phản ánh của không ít phụ huynh và ghi nhận của chúng tôi, đi họp đầu năm cho con, các khoản tiền chính mà phụ huynh học sinh phải đóng gồm tiền học phí, tiền ăn, đồng phục đã lên đến tiền triệu. Đấy mới chỉ là một phần cơ bản, ngoài ra là đủ các khoản đóng góp khác như tiền hỗ trợ bàn ghế, tiền điện, tiền vệ sinh môi trường, tiền bảo dưỡng cơ sở vật chất cho trường, quỹ phụ huynh, quỹ lớp, thậm chí một số trường cũng buộc phụ huynh phải đóng tiền đăng ký mua logo của trường gắn trên đồng phục cho giống nhau, tiền vệ sinh cây cảnh… Có những trường số tiền đóng góp thêm của lớp chọn lên đến cả trăm triệu đồng.

Thực tế, để “lách” các quy định của ngành giáo dục, các trường vẽ ra đủ kiểu lý do như đây là các khoản thu do ban phụ huynh, cha mẹ học sinh “tự nguyện” đóng góp, chính vì thế, mặc dù có rất nhiều bức xúc trong việc lạm thu tiền của nhà trường thì các bậc phụ huynh vẫn phải bấm bụng móc hầu bao đóng góp. Cũng đành tự an ủi là vì tương lai con em chúng ta, không thì con mình sẽ bị “kém bạn, kém bè”.
Những tưởng tình trạng này chỉ xảy ra ở những thành phố, đô thị, nơi mà điều kiện của người dân có mức thu nhập cao hơn các nơi khác, thực tế “căn bệnh” lạm thu đã lan khắp nơi. Kể cả ở những nơi được coi là xã, huyện nghèo thì tình trạng này cũng không kém phần sôi động. Chỉ lấy ví dụ ở Trường THCS Lê Đình Dương tại xã Điện Trung, huyện Điện Bàn – Quảng Nam, năm học 2011-2012 có 12 lớp học (từ lớp 6, 7, 8 và 9) với tổng số HS là 423, cũng xuất hiện các khoản thu trái quy định, đặc biệt có khoản thu rất lạ lùng là lấy tiền của HS để “trao thưởng” cho thầy, cô giáo rất khó hiểu. Như khoản thu xây dựng cơ sở vật chất 70.000 đồng/HS; quỹ hội 70.000 đồng/HS; tiền vệ sinh 45.000 đồng/HS; 10.000 đồng/HS tiền bảo trì máy vi tính.  Trong khi xã Điện Trung là xã nghèo, cuộc sống người dân còn vất vả thì những khoản thu trên như gánh nặng oằn trên vai những người nông dân một nắng hai sương.
Trước tình trạng này, dư luận cho rằng, năm nào Bộ GD&ĐT, các Sở giáo dục cũng ra văn bản, chỉ thị về việc kiểm  tra giám sát các khoản thu, chi tài chính, các khoản đóng góp đầu năm chứng tỏ các giải pháp đưa ra là chưa khả thi. Ngay cả khi năm học mới 2011 – 2012, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu khá cụ thể đối với khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, mức thu khoản này do cha mẹ học sinh quyết định trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu không dùng khoản thu này để “hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học. Nhưng quy định vẫn là quy định, vì thực tế, không ít trường vẫn ngang nhiên làm trái các quy định của ngành giáo dục.
Thực tế từ trước đến nay hầu như chưa có cơ sở giáo dục nào bị xử lý nghiêm khắc do lạm thu, nếu có cũng chỉ ở dạng “giơ cao, đánh khẽ”, còn phổ biến là trách nhiệm được “đá” sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường thì vô can nên việc “trị bệnh” lạm thu gần như không còn hiệu quả. Chính vì thế, việc giám sát thanh tra, xử lý những trường lạm thu cần được các cơ quan quản lý, nhất là cơ quan quản lý giáo dục làm quyết liệt, thu hồi các khoản thu trái quy định trả lại phụ huynh, đồng thời công khai rộng rãi thông tin các vi phạm. Có như thế mới mong phần nào giảm được căn bệnh trầm kha bấy lâu.  
 Theo  Thành Phong
(suckhoedoisong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)