Theo một nghiên cứu mới đây, các thuốc thường được dùng để điều trị mất trí ở bệnh nhân Alzheimer có thể khiến xương khỏe hơn.
Kết quả, được đăng trên tạp chí Journal of Bone and Mineral Research, có thể giúp nghiên cứu sâu hơn về ý tưởng cho rằng sức bền của xương chủ yếu được kiểm soát ở trong não.
Hai thuốc được dùng phổ biến để điều trị bệnh Alzheimer – donepezil và rivastigmin – được biết là kích thích nhóm tế bào thần kinh (neuron) trong não giữ vai trò chính để duy trì trí nhớ. Trong khi các thuốc này được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác từ giữa những năm 1990, hiệu quả của chúng đối với sinh học xương vẫn chưa được khám phá.
Nghiên cứu này cho thấy một số tế bào thần kinh có thể điều hòa chuyển hóa xương và tổn thương chúng dẫn tới yếu xương.
Giáo sư Faleh Tamimi – thuộc Khoa Răng của Trường đại học McGill, xác định rằng dùng donepezil và rivastigmin có thể làm tăng hoạt tính của các tế bào thần kinh điều hòa xương, liên quan tới tác dụng có lợi đối với sức bền xương và giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi ở bệnh nhân Alzheimer.
Các tác giả đã nghiên cứu bệnh nhân Alzheimer từ 75 tuổi trở lên, được điều trị tại một bệnh viện ở Tây Ban Nha. 80 trường hợp gãy cổ xương đùi được so sánh với 2.178 bệnh nhân không bị gãy cổ xương đùi. Kết quả cho thấy những bệnh nhân được dùng donepezil và rivastigmin có nguy cơ gãy cổ xương đùi thấp hơn.
Những kết quả này đã cải thiện hiểu biết về bệnh xương và mở ra một hướng điều trị mới cho loãng xương.
Theo TPO
Bình luận (0)