Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc điều trị bệnh trầm cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Các sang chấn tâm lý là một nguyên nhân dẫn tới bệnh trầm cảm.Có khoảng 10% – 15% dân số bị bệnh trầm cảm. Phụ nữ bị trầm cảm gấp hai lần so với nam giới. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về sinh hóa ở trong não, suy giảm hoạt động và số lượng các chất dopamin, serotonin. Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời và đúng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…

Trầm cảm có nghĩa là buồn. Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng gặp chuyện buồn nhưng đó chỉ là những phản ứng cảm xúc bình thường, sau đó qua đi. Nhưng cái buồn trong trầm cảm là một tình trạng bệnh lý. Người bệnh cảm thấy mất tự tin trong công việc, mất khả năng tập trung và có những biểu hiện thu rút các mối quan hệ xã hội, không giao tiếp với bạn bè, bi quan về tương lai của mình, nếu nặng có thể có hành vi tự sát… Để điều trị trầm cảm người ta dùng các phương pháp điều trị sau: liệu pháp dùng thuốc, tâm lý liệu pháp và shock điện. Tuy nhiên phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là sử dụng các thuốc chống trầm cảm.

Các loại thuốc điều trị

Các thuốc được sử dụng phổ biến là loại thuốc chống trầm cảm ba vòng và loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI). Thuốc phát huy tác dụng chậm, thông thường phải sau khoảng hai tuần thuốc mới có tác dụng, trừ một số loại nhanh là sau một tuần, vì vậy điều trị thuốc phải kiên trì, nhất là trong 1, 2 tuần đầu. Rất nhiều người bệnh khi thấy uống thuốc khoảng một tuần mà các triệu chứng chưa cải thiện hoặc gặp phải tác dụng phụ của thuốc thường bỏ thuốc và không điều trị tiếp. Chính vì vậy mà bệnh không khỏi.

Đối với loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin) tác dụng phụ hay gặp nhất là có thể gây ra nhịp tim nhanh, tụt huyết áp tư thế, gây khô miệng, táo bón, bí tiểu, rối loạn chức năng tình dục và bệnh nhân có thể có xuất hiện nhìn mờ. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng an dịu, gây ngủ. Đây là một tác dụng tốt vì phần lớn bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ.

Loại thuốc chống trầm cảm SSRI là những thuốc mới, ít tác dụng phụ hơn đối với hệ tim mạch nhưng cũng có một số tác dụng phụ cần phải lưu ý là gây tăng cân, nhất là đối với phụ nữ. Thuốc này còn có tác dụng trên chức năng tình dục, làm mất khả năng cương cứng dương vật và làm giảm khả năng tình dục đối với cả bệnh nhân nam và nữ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân thường bỏ điều trị. Khi gặp các tác dụng phụ này, bệnh nhân phải đến bác sĩ điều trị khám lại và sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách xử lý tác dụng phụ này.

Dùng thuốc như thế nào?

Dùng thuốc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm phải dùng lâu dài, bao gồm những giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6 – 12 tuần, sau đó cần phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết hoàn toàn trong thời gian từ 16 – 20 tuần. Nhiều bệnh nhân sau khi đã khỏi hết các triệu chứng thường không muốn điều trị tiếp và bỏ thuốc. Trong khi đó mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao như bệnh nhân có nhiều giai đoạn bị trầm cảm, những triệu chứng tổn hại nặng về mặt chức năng học tập, xã hội, có ý tưởng hành vi tự sát, những triệu chứng loạn thần…

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy nếu không tiếp tục điều trị thì tỷ lệ tái phát sẽ là 25% trong vòng hai tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc.

Bệnh trầm cảm là một bệnh có tỷ lệ mắc cao, những yếu tố thúc đẩy bệnh hoặc tái phát bệnh thường là những sang chấn tâm lý trong cuộc sống như tai nạn bất ngờ, mất mát người thân, đổ vỡ các mối quan hệ tình cảm, làm ăn thua lỗ… Bệnh này dẫn đến mất khả năng về mặt xã hội của con người như học tập, giao tiếp, công việc… Việc điều trị phải tiến hành càng sớm càng tốt và phải được điều trị đúng bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nếu được điều trị theo đúng phác đồ, người bệnh có thể làm việc, học tập được bình thường.

BS. Trịnh Thị Bích Huyền (suckhoedoisong.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)