Thuốc giả có lịch sử lâu đời cũng như lịch sử loài người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: “Bốn ngàn năm trước Công nguyên, con người đã được cảnh báo về sự nguy hại của thuốc giả và bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong bao năm qua, mối nguy hại này ngày nay vẫn chưa biến mất” (WHO).
Tháng 4/2005, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) nhận định: 15% thuốc bán trên toàn cầu là thuốc giả. Điều đó có nghĩa là giá trị thuốc giả trên thị trường toàn cầu khoảng 35 tỷ USD. Theo đánh giá của Viện an toàn dược Hoa Kỳ (Pharmaceutical Security Institute) năm 2003, ở Mỹ có 200 triệu USD thuốc giả lưu hành. Năm 2004, các cuộc điều tra về thuốc giả của FDA (Hoa Kỳ) đã tăng 150% so với năm trước. Cơ quan này cho rằng tỷ lệ thuốc giả tăng nhanh như vậy là do lợi nhuận khổng lồ đem lại cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ thuốc giả thường dưới 1% thì các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thuốc giả ở các nước đang phát triển có thể cao hơn nhiều. Ở nhiều quốc gia châu Phi, một số quốc gia châu Á và châu Mỹ Latinh, tỷ lệ này có thể lên đến 30%. Tổ chức “Centre for Medicines in Public Interest” (Hoa Kỳ) dự đoán đến năm 2010, thị trường thuốc giả toàn cầu sẽ đạt đến 75 tỷ USD, tăng 90% so với năm 2005. Ngay cả ở một số nước thuộc Liên Xô cũ, tỷ lệ này cũng đạt đến 20%.
Harvey Bale, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội sản xuất dược phẩm phát biểu: “Một số nhà quản lý y tế châu Phi tuyên bố rằng thuốc giả đe dọa sức khỏe cộng đồng còn hơn cả bệnh AIDS và bệnh sốt rét”. Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến sử dụng thuốc hợp lý của Ấn Độ, Ranit Roychaudhury, cho rằng: “Trong mười năm tới, thuốc giả mạo sẽ là vấn đề lớn nhất đe dọa sức khỏe cộng đồng”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì thuốc giả là thuốc được cố ý và gian lận gắn nhãn sai về nhận dạng và/ hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể là biệt dược hoặc thuốc gốc. Thuốc giả cũng có thể bao gồm các dược phẩm chứa các thành phần đúng như ghi trên nhãn, các thành phần khác với thành phần ghi trên nhãn, có dược chất, có hàm lượng dược chất không đúng và thuốc được đóng gói bao bì giả mạo. Một công trình nghiên cứu về thuốc giả cho thấy 50-60% không có dược chất, 15-20% dược chất không đúng, 15-20% hàm lượng không đúng và chỉ có 5% có dược chất đúng. Nhiều người cho rằng sự khác nhau giữa thuốc giả và thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng là sự cố tình và gian lận gắn nhãn sai về nhận dạng và nguồn gốc. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng ngay cả khi thuốc giả có thành phần dược chất và tá dược đúng thì vẫn không an toàn vì nó có thể chứa kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu… vì được bào chế, sản xuất không theo quy định về Thực hành tốt sản xuất (GMP). Dù sao thì cũng cần thấy rằng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề thuốc kém chất lượng là hoàn toàn khác so với thuốc giả.
Thuốc giả thường tập trung vào các nhóm dược phẩm sau: một nhóm nhỏ các thuốc đắt tiền, nhóm được sử dụng với số lượng lớn nhưng giá rẻ hơn, các biệt dược rất đắt tiền và các loại thuốc viên thông thường. Những kẻ sản xuất thuốc giả cũng không bỏ qua các thuốc điều trị HIV và chống ung thư. Hãng thông tấn AP năm 2003 đã nêu: “Thuốc tăng cường miễn dịch chống ung thư và bệnh nhân HIV đã được bọn sản xuất thuốc giả “ưu ái”. Một trường hợp điển hình: bọn tội phạm đã thu lợi 28 triệu USD trong một chuyến buôn bán 11.000 hộp thuốc giả epogen và procrit thường được kê đơn cho bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS và suy thận”.
Theo báo cáo về “Sự an toàn của dược phẩm” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2004, “Ở các nước giàu, các thuốc mới đắt tiền như các nội tiết tố, corticoid, thuốc chống ung thư và thuốc chống retrovirus thường bị làm giả. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, các thuốc giả thường gặp nhất là các thuốc chữa các bệnh đe dọa mạng sống bệnh nhân như thuốc chống sốt rét, thuốc chống ung thư và thuốc chống retrovirus”.
Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền
(Sức khoẻ & Đời sống)
Bình luận (0)