Thuốc giả gây ra tác hại lâu dài và nghiêm trọng
> Thuốc giả – Kẻ giết người giấu mặt Kỳ 1: Thuốc giả – Vấn nạn toàn cầu
Thuốc giả càng nguy hại khi nhiều thầy thuốc không nhận thức được và/ hoặc không quan tâm đến vấn đề thuốc giả. Nhiều cán bộ y tế và ngay cả nhiều bác sĩ và dược sĩ cũng không phân biệt được thuốc giả với thuốc thật. Trong khi bệnh nhân và người tiêu dùng phải chịu đựng rủi ro về sức khỏe và lãng phí tiền bạc vô ích cho thuốc giả thì họ không có thông tin và cũng không được huấn luyện để tự bảo vệ mình. Thuốc giả làm cho chi phí điều trị tăng cao xét cả về phương diện kinh tế và xã hội. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng phải đối mặt với nguy cơ tăng chi phí, kém hiệu quả, lòng tin của bệnh nhân nói riêng và nhân dân nói chung với hệ thống y tế ngày càng bị xói mòn. Thuốc giả gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và khốc liệt, gây nhiều thiệt hại về tài chính, uy tín và thương hiệu… cho những nhà sản xuất dược phẩm chân chính.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn hết là thuốc giả đã gây ra những tác hại lâu dài, nhiều mặt đối với sức khỏe cộng đồng: kéo dài bệnh tật hoặc gây tử vong do thuốc giả không có tác dụng. Kháng sinh giả góp phần tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phát tán trong cộng đồng. Vaccin giả làm nhiều chương trình y tế dự phòng thất bại. Thuốc giả cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Tạp chí New Scientist, ngày 8/9/2005 đã nhắc lại một số vụ thuốc giả nghiêm trọng trên thế giới trong khoảng một thập kỷ qua đã làm tổn hại sức khỏe hoặc giết chết nhiều người. Năm 1995, hơn 60.000 người ở Niger phải sử dụng vaccin viêm màng não giả. Năm 2001, ở Trung Quốc có 192.000 người chết vì thuốc giả. Ở Châu Phi, nhiều thuốc giả trong đó dược chất artemisinin chống sốt rét bị thay thế bằng thuốc an thần. Ở vùng sông Mêkông, 40% thuốc sốt rét artesunat là thuốc giả.
Bất chấp các biện pháp phòng chống, thuốc giả đang tăng trên quy mô toàn cầu cả về số vụ bị phát hiện và trên phạm vi nhiều nước. So sánh số liệu cho thấy, số vụ thuốc giả được phát hiện tăng từ 557 vụ (2004) lên 781 vụ (2005), tăng 40%; số nước có thuốc giả tăng từ 86 nước (2004) lên 101 nước (2005), tăng 27%.
Tại sao vấn nạn thuốc giả không có dấu hiệu suy giảm? Trước hết là do sản xuất thuốc giả đem lại siêu lợi nhuận. Do đó, không loại trừ các tổ chức tội phạm từng bước chuyển từ mua bán ma túy sang kinh doanh thuốc giả. Tất nhiên, không phải tất cả bọn sản xuất thuốc giả đều thuộc nhóm tội phạm có tổ chức nhưng chúng cũng đều là tội phạm. Trong khi đó sự trừng phạt đối với tội sản xuất, kinh doanh thuốc giả thường lại thấp hơn so với tội phạm ma túy. Mặc khác, một số yếu tố khách quan và chủ quan dường như làm cho cuộc chiến chống thuốc giả chưa thật sự có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân làm cho cuộc chiến chống thuốc giả gặp nhiều khó khăn. Đó là sự yếu kém về ban hành và thực thi luật pháp quản lý dược phẩm, sự thiếu thuốc đặc biệt là các thuốc thiết yếu, hệ thống cung ứng thuốc phức tạp, rối rắm và yếu kém, sự tồn tại của các thị trường dược phẩm không hợp pháp và các kênh phân phối không chính thức, giá thuốc chênh lệch quá lớn qua từng khâu trong quá trình lưu thông phân phối, luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ không đầy đủ và sự lơ là, bất cập, yếu kém trong công tác quản lý chất lượng thuốc (WHO, 1992).
Tuyên bố Roma về chống thuốc giả
Trước tình hình nghiêm trọng của vấn nạn thuốc giả, ngày 16/2/2006, Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức Hội nghị về chủ đề “Cuộc chiến chống thuốc giả: Xây dựng sự hợp tác quốc tế có hiệu quả” tại Roma. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố Roma trong đó nhấn mạnh đến việc phải có chiến lược quốc gia, khu vực và toàn cầu chống thuốc giả dựa trên các cơ sở sau đây:
1. Xây dựng quyết tâm chính trị, khuôn khổ luật pháp và thực thi luật pháp tương xứng với tác động nguy hại của thuốc giả đối với sức khỏe cộng đồng. Cần có các công cụ cần thiết để phối hợp và thực thi pháp luật chống thuốc giả có hiệu quả.
2. Ban hành các văn bản quy định sự phối hợp liên ngành xác định rõ vai trò các ban, ngành, cung cấp đủ nguồn lực cần thiết, tăng cường hiệu lực quản lý và công cụ thực hiện.
3. Nâng cao nhận thức về sự nghiêm trọng của vấn đề thuốc giả, cung cấp thông tin cho cộng đồng và cơ sở y tế ở tất cả các tuyến.
4. Tăng cường năng lực, nghiệp vụ và trình độ kỹ thuật trong những lĩnh vực cần thiết.
5. Xây dựng cơ chế thích hợp phòng chống thuốc giả trong ngành y tế và trong cộng đồng.
Có thể nói rằng, không có một đơn thuốc đơn giản và màu nhiệm nào có thể chữa trị ngay lập tức tận gốc căn bệnh “thuốc giả”. Cuộc chiến chống thuốc giả đòi hỏi sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm của tất cả các bộ phận liên quan, kể cả các doanh nghiệp dược. TS. Howard Zucker, Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã phát biểu: “Vấn đề thuốc giả phải được giải quyết không chỉ thông qua những nỗ lực chung trên quy mô toàn cầu mà còn bằng sự hợp tác thực sự, sự phối hợp đa ngành bao gồm các nhà quản lý y tế, các nhà chuyên môn y dược, các nhà hành pháp, các luật gia và những nhà sản xuất – kinh doanh dược phẩm”.
PGS.TS. Lê Văn Truyền
Theo Sức khoẻ & Đời sống
Bình luận (0)