Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc hay từ lựu

Tạp Chí Giáo Dục

Ở nước ta, lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh, lấy quả ăn và làm thuốc. Đông y dùng các bộ phận của cây lựu làm thuốc từ rất lâu đời.

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả lựu (ảnh) có vị ngọt, chua, chát, tính ấm, hơi độc, tác dụng trừ được lao; rễ dùng sát trùng rất tốt và trị được huyết lậu.
Một số bài thuốc tiêu biểu sau đây có dùng lựu và đã được chứng minh hiệu quả qua điều trị:
– Chữa nổi mày đay, ngứa ngáy do phong thịnh, huyết nhiệt: Vỏ lựu tươi, ké đầu ngựa, bèo cái, bồ công anh, thổ phục linh, hà thủ ô, mỗi loại 12 g; xác ve sầu, mã đề, cam thảo đất, mỗi thứ 8 g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 750 ml nước trong 15 phút, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Nếu ngứa ngáy khó ngủ thì có thể gia thêm lạc tiên và lá vông (10 g/món) cùng sắc uống.
– Chữa phỏng lửa hoặc phỏng nước sôi: Vỏ lựu rửa sạch, sấy khô, tán bột mịn, trộn đều với dầu mè thoa lên chỗ phỏng, ngày 3-4 lần.
– Chữa lỵ kinh niên, phân có máu, mủ: Vỏ quả lựu, a giao, đương quy, mỗi thứ 10 g; hoàng liên, hoàng bá, gừng tươi, mỗi thứ 5 g; cam thảo Bắc 3 g. Sắc 3 nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 4 lần uống trong ngày, uống 7-10 ngày.

– Xổ sán: Vỏ rễ lựu 40 g; đại hoàng, hạt cau già, mỗi thứ 4 g. Làm bột thô sắc 3 lần, cô lại còn 250 ml. Tối hôm trước ăn nhẹ (cháo hoặc sữa), sáng hôm sau chia nước sắc làm 3 lần uống, mỗi lần cách nhau 30 phút. Khi đi ngoài, nhúng mông vào chậu nước ấm (37°C) để sán ra hết (nhớ bổ sung nước nóng để bảo đảm nhiệt độ luôn ở khoảng 35°C – 37°C).
– Tẩy giun đũa, giun kim: Vỏ quả lựu 15 g, hạt cau già 10 g. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100 ml, thêm đường vừa ngọt. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
Chú ý: Chỉ dùng ấm đất hoặc nồi, xoong nhôm, thép không gỉ để sắc thuốc vì lựu có hàm lượng tanin cao. Vỏ quả lựu cần sao khô, giã cho dập thành bột thô rồi mới sắc để rút hết chất thuốc.
Nếu ăn nhiều quả lựu sẽ hại phổi, tổn răng. Khi dùng vỏ quả khô, vỏ thân, vỏ rễ khô thì phải bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm. Người thể trạng hư yếu, phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng thuốc có lựu.

Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)
Theo NLĐ


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)