Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh để tránh lờn thuốc. Ảnh: T.L |
Mỗi khi nhức đầu, sổ mũi, nhiều người thường có thói quen uống ngay một liều kháng sinh. Thậm chí bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau 2-3 ngày cũng uống kháng sinh liều cao. Tuy nhiên, theo các BS thì thuốc kháng sinh là “con dao hai lưỡi”…
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Mấy hôm trước đi làm về mắc mưa nên chị Bảo Hân (Q.3, TP.HCM) bị nhức đầu. Buổi tối, trước khi đi ngủ chị đã xức dầu nóng với hy vọng sau một giấc ngủ dài sẽ khỏi. “Nào ngờ buổi sáng thức dậy, đầu tôi vẫn đau như búa bổ. Nguyên buổi sáng hôm đó, tôi không làm được việc gì. Thế là buổi trưa, tôi phải chạy vội ra nhà thuốc mua mấy liều thuốc giảm đau. Người bán thuốc đưa cho tôi 9 viên paracetamol và dặn uống 3 ngày, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên. Ngày thứ nhất, tôi uống theo đúng chỉ dẫn của người bán thuốc nhưng không thấy giảm nên ngày thứ 2 tôi tăng lên 2 viên/lần. Bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn, tôi phải đi bệnh viện…”, chị Bảo Hân kể lại.
Chị Minh Nguyệt (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cũng có thói quen cứ đau, bệnh là tìm đến nhà thuốc mua thuốc uống. Thỉnh thoảng cũng khỏi bệnh nhưng số lần bệnh trở nặng đến mức phải vào bệnh viện thì nhiều hơn. Chị kể: “Một lần tôi bị té xe khiến đầu gối bị rách da chảy máu. Thế là tôi vào tiệm thuốc mua kháng sinh về uống và bôi lên vết thương. Chưa đầy 4 tiếng sau, vết thương bắt đầu sưng lên, sờ vào thấy nóng. Sau đó thì tôi bắt đầu sốt. Sợ quá tôi vội vào bệnh viện. Tại đây BS đã “la” tôi vì cái tội tự ý dùng thuốc kháng sinh. Sau đó, BS phải cạo hết thuốc kháng sinh trên vết thương của tôi. Chỉ ít giờ sau đó, vết thương đã bớt sưng, tôi cũng hạ sốt…”.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể bị tác dụng ngược. “Đó là bị dị ứng với các triệu chứng như nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ gây tử vong. Uống nhiều kháng sinh có thể dẫn đến nhiễm độc gan, thận, các tế bào máu, thần kinh thính giác, loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy”, TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Trường ĐH Y dược TP.HCM khuyến cáo.
Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của BS
ThS.BS Bùi Nguyễn Đoan Thư, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Kháng sinh được hiểu là “kháng” lại sự “sinh sống” của các “sinh vật”. Kháng sinh có thể trực tiếp tiêu diệt vi trùng hoặc làm cho chúng yếu đi để cơ thể tiếp tục tiêu diệt chúng. Vì vậy nếu bị bệnh không do vi trùng thì cho dù có sử dụng kháng sinh tốt, liều mạnh cũng không thể hết bệnh. Đa số những bệnh thông thường như cảm ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng, nhức mỏi, nóng sốt đều là do siêu vi gây ra. Các bệnh như viêm họng, viêm tai, viêm phế quản cũng thường do siêu vi gây ra, người bệnh không nên sử dụng kháng sinh ngay từ đầu. Nếu sau 2-3 ngày mà bệnh không thuyên giảm hay nặng hơn, người bệnh nên đi khám để BS đánh giá xem bệnh có phải do nhiễm trùng hay do siêu vi bị bội nhiễm thêm vi trùng. Chỉ với những trường hợp này, kháng sinh mới thật sự có hiệu quả”.
Thông thường, vi trùng nếu còn nhạy với kháng sinh thì bệnh sẽ thuyên giảm dần sau 1-2 ngày, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm họng mủ, viêm tai giữa mủ, viêm phổi… Nhiều người thấy đỡ bệnh liền ngưng dùng kháng sinh, điều này sẽ gây tác hại vô cùng. Vì vi trùng chỉ mới bị tiêu diệt một phần sau vài liều kháng sinh, số còn sống sót sẽ tiếp tục phát triển, sinh sôi nảy nở làm bệnh tái phát.
Đối với khoảng cách giữa các liều uống, BS. Đoan Thư cho rằng: “Nếu một loại thuốc kháng sinh được cho uống 3 lần/ngày thì điều đó có nghĩa là 8 tiếng uống một lần. Nhiều khi toa thuốc ghi đơn giản “sáng – chiều – tối”, người bệnh lại uống thuốc vào lúc 10 giờ sáng, 2 giờ chiều và 6 giờ tối. Như vậy khoảng cách từ 6 giờ tối đến 10 giờ sáng hôm sau, cơ thể không có đủ nồng độ thuốc để diệt trùng, càng làm tăng nguy cơ vi trùng đề kháng kháng sinh. Vì vậy, người bệnh phải uống thuốc đúng giờ thì mới có tác dụng”…
Anh Kim
Bình luận (0)