Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc kích thích cho trẻ ăn ngon?

Tạp Chí Giáo Dục

Thấy con biếng ăn, còi cọc nên nhiều bà mẹ thường tự ý ra hiệu thuốc và mua các loại thuốc như siro, cốm nhằm kích thích ăn ngon cho trẻ. Tuy nhiên, hậu quả có thể ngày càng trầm trọng hơn và thậm chí là để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Lạm dụng quá mức

Hiện nay, trên thị trường có bày bán rất nhiều các loại thuốc mà được cho rằng có tác dụng làm cho trẻ ăn ngon, ngủ nhiều, tăng cân nhanh chóng. Việc các bà mẹ vô tư sử dụng chúng một cách vô tội vạ đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. BS Đào Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Không có bất kỳ một loại thuốc nào gọi là thuốc kích thích ăn ngon cho trẻ mà thường được gọi là thuốc bổ như Lysin, vitamin, khoáng chất hoặc men tiêu hóa…”. Chị Nguyễn Yến Anh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Nghe các bà mẹ rỉ tai nhau là mua siro về hòa lẫn với sữa cho trẻ uống thì có thể cải thiện được tình trạng biếng ăn ở trẻ nên tôi cũng đi mua mà không cần có sự tư vấn của BS”. BS Yến Thủy cho biết thêm: “Một số loại thuốc được bày bán trên thị trường bị cấm sử dụng với mục đích kích thích ăn uống hoặc giữ nước lên cân nhưng vẫn được kê toa để bán như Dexamethasone, Peritol… Tuy nhiên, tác dụng chính của thuốc thì không phải như vậy. Đây là các loại thuốc tuyệt đối không được sử dụng để điều trị chứng biếng ăn ở trẻ”. Quan niệm mong cho con “hay ăn chóng lớn” vô hình trung đã trở thành áp lực đối với các bà mẹ và một số tiệm bán thuốc đã lợi dụng tâm lý này để bán thuốc mà không cần quan tâm đến các chỉ định. Thói quen sử dụng thuốc một cách dễ dãi đã khiến nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang.

BS tư vấn cho phụ huynh về tình trạng biếng ăn ở trẻ

Tuân theo chỉ định

Biếng ăn thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do yếu tố tâm lý, bệnh tật, đồ ăn không phù hợp, ham chơi ở trẻ… Thấy con biếng ăn nhưng nhiều phụ huynh lại bỏ qua bước đi tìm nguyên nhân mà muốn tự mình làm BS. Chỉ khi thấy trẻ đã quá suy dinh dưỡng, còi cọc thì chính sự lo lắng đã thôi thúc các mẹ đưa trẻ đến BS dinh dưỡng. Nhưng đôi khi việc đưa trẻ đi khám dinh dưỡng quá chậm trễ thì đã gây nên những hậu quả trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sau khi đưa con đến khám tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Văn Yến Ngọc (ngụ quận 7, TP.HCM) mới tá hỏa: “Ngoài bị còi cọc thì bé còn bị chứng khô miệng, khô mắt do sử dụng quá nhiều các loại thuốc mà cho rằng có tác dụng kích thích ăn, ngủ ngon”. BS Yến Thủy chia sẻ: “Trong điều trị chứng biếng ăn nhiều BS vẫn sử dụng các loại thuốc bổ cho trẻ nhưng việc sử dụng này phải tuân theo chỉ định và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Việc tự ý sử dụng thuốc ngoài hậu quả là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ thì nó còn khiến các bậc phụ huynh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, túi tiền bị hao hụt mà không có tác dụng”. Thuốc bổ không thể thay thế được năng lượng cho trẻ và việc sử dụng thuốc tuyệt đối phải tuân theo chỉ định của BS. Việc cung cấp năng lượng hàng ngày cho trẻ là vấn đề giúp đảm bảo sức khỏe cho trẻ một cách an toàn nhất. Là một chuyên gia về dinh dưỡng BS Yến Thủy khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên cố gắng thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến phù hợp với sức nhai và sở thích của trẻ, cho trẻ ăn đa dạng và đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ 3 bữa/ngày và uống ít nhất 600ml sữa, trái cây. Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, không nên la mắng hay đánh đập trẻ. Nếu trẻ không lên cân mẹ nên đưa bé đến khám BS dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể và kịp thời”.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Các bậc phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc, thảo dược khi trẻ biếng ăn. Bởi cơ thể trẻ đặc biệt là các cơ quan thải loại còn rất non nớt, mong manh. Việc sử dụng các loại thuốc bổ mà không có chỉ định của BS chuyên môn rất dễ dẫn đến những rối loạn, tổn thương cho một số bộ phận trong cơ thể trẻ.

 

Bình luận (0)