Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc lá và sức khỏe phụ nữ: SOS!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thông thường, các chứng “nghiện” hay gặp ở đàn ông như nghiện rượu, thuốc lá… nhưng càng ngày điều đó càng có vẻ “bình đẳng” giữa hai giới. Nhiều phụ nữ tìm đến khói thuốc lá vì muốn khẳng định mình, thậm chí cả những bạn nữ trẻ, mà không biết tác hại khôn lường của thuốc lá với sức khỏe. Nhan sắc chóng tàn phai, bệnh tật sớm xuất hiện… là những cảnh báo về thuốc lá đối với phụ nữ.
Vẻ đẹp và các chức năng sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Những phụ nữ trực tiếp hút thuốc lá hay phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động nhiều năm liền do sống chung hay làm việc cùng với những người hút thuốc, làm việc trong quán càphê, karaoke, quán bia rượu…. đều có những ảnh hưởng lớn đến vẻ đẹp của làn da. Chất nicotin có trong thuốc lá khiến sự đàn hồi của những sợi collogen trong da trở nên kém hơn, lượng nước trong da cũng bị hạn chế, khiến cho da của những người này thường nhanh lão hóa, nhăn nheo, các vết nám sớm xuất hiện.
Hút thuốc ảnh hưởng lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ bằng nhiều con đường. Hút thuốc làm giảm hàm lượng hormon sinh dục estrogen và một số hormon khác có liên quan đến chức năng sinh sản. Khả năng thụ thai ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn 25% so với phụ nữ không hút thuốc vì các chất có trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi thành phần môi trường ở vòi trứng, nơi diễn ra sự thụ thai.
Nếu hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì nguy cơ bị sảy thai có thể cao hơn 10 lần so với phụ nữ không hút thuốc, nguyên nhân chính là do bào thai bị thiếu ôxy vì máu nuôi dưỡng bào thai có chứa nhiều khí CO từ khói thuốc lá do mẹ hút. Ngoài ra, bào thai bị ngộ độc do các chất độc khác chứa trong khói thuốc.
Những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ hút thuốc thường nhẹ cân hơn, và là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi ở các nước phát triển. Một công trình nghiên cứu tại Hoa kỳ trên 13.000 trẻ em sinh ra từ những người mẹ nghiện thuốc lá (hút trên 10 điếu thuốc lá/ngày trong thời kỳ mang thai) thấy rằng, những trẻ em này có khả năng học tập kém hơn, đặc biệt là các môn tự nhiên so với những em khác. Các em này phát triển chậm 3- 5 tháng so với những em sinh ra từ những phụ nữ không hút thuốc.
Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Khói thuốc lá làm phụ nữ cũng có nguy cơ bị mắc các bệnh mạn tính do khói thuốc như ở đàn ông, đó là: ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, viêm phế quản mạn, giãn phế quản… Ở những người phụ nữ hút thuốc hay trước đó nghiện thuốc thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn những phụ nữ không bị ảnh hưởng khói thuốc lá. Xương giòn và trở nên dễ gãy, đặc biệt là khi bước vào tuổi mãn kinh. Hiện tượng mãn kinh xuất hiện sớm hơn so với phụ nữ không hút thuốc trung bình 1/2 năm. Theo các nhà y học thì hiện tượng này là do ở những phụ nữ hút thuốc có hàm lượng estrogen thấp.
Những phụ nữ nghiện thuốc kết hợp với thể trạng gầy còm (lượng mỡ trong cơ thể đạt dưới ngưỡng sinh lý cần thiết) thì hàm lượng hormon sinh dục nữ estrogen có thể bị giảm rất trầm trọng, những phụ nữ này thường có những biểu hiện rối loạn chu kỳ kinh nguyệt như hiếm kinh, mất kinh.
Hút thuốc kết hợp với dùng các thuốc tránh thai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Dùng thuốc tránh thai hằng ngày với những phụ nữ không hút thuốc thì không có hại gì. Còn đối với phụ nữ hút thuốc mà sử dụng thuốc tránh thai sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là với những phụ nữ dưới 30 tuổi. Vấn đề là ở chỗ, thuốc tránh thai kết hợp với chất nicotin có trong thành phần của thuốc lá gây nên những thay đổi trong máu, những thay đổi này dẫn đến tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong các động mạch. Hậu quả có thể xuất hiện nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Nếu không thể bỏ được thuốc thì cần phải ngừng ngay việc dùng thuốc tránh thai.
Tóm lại, nếu bạn không hút thuốc thì đừng bao giờ hút, nếu bạn là người hút thuốc thì hãy bỏ ngay vì hút thuốc gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe phụ nữ. Tuy nhiên nếu từ bỏ thuốc thì các tác hại đó dần dần sẽ được loại bỏ, sức khỏe của các bạn sẽ dần dần được củng cố và tăng cường. Bỏ thuốc là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người nghiện thuốc, tuy nhiên bạn hãy cố gắng làm điều đó vì một cuộc sống lành mạnh và vì tương lai của con bạn.
TS. Đặng Quốc Nam (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)