Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thuốc lá và trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ thị nhằm nhắc nhở việc thực hiện cấm hút thuốc ở nơi công cộng, đặc biệt là trường học và bệnh viện. Việc chấn chỉnh này bắt đầu từ ngày 1-1-2010. Đến nay đã tròn một tháng. Vậy mà hiệu quả thực hiện chưa mấy khả quan, thật đáng lo ngại làm sao!
Việt Nam hiện là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới. Ai quan tâm đến sức khoẻ cộng đồng cũng đều giật mình trước những con số biết nói mà báo chí thống kê được về thuốc lá. Theo đó, một điều tra năm 2005 cho biết tỉ lệ hút thuốc lá của nam 13 – 15 tuổi là 10%; từ 15 – 24 tuổi là 31%. Còn tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tuyên Quang thì 16 – 41% học sinh từ 13 – 15 tuổi được hỏi cho biết từng hút thuốc lá và 6,8 – 8,8% trong đó cho biết sẽ hút thuốc trong tương lai. Đó là những con số đáng quan tâm. Bởi nhận thức, thái độ và hành động của một bộ phận học sinh trước tệ nạn hút thuốc và nguy cơ nghiện thuốc lá trong giới trẻ như vậy là rất lớn. Xã hội và gia đình đổ lỗi cho nhà trường thiếu các biện pháp giáo dục, các bài học sinh động giúp các em nhận ra tác hại để phòng tránh. Còn nhà trường thì bảo rằng gia đình thiếu sự quan tâm, quản lí và giáo dục con em; xã hội xô bồ phức tạp, những thói hư tật xấu dễ tiêm nhiễm vào các em, trong đó thuốc lá là loại tệ nạn dễ lây lan, tiêm nhiễm nhất. Còn các nhà nghiên cứu xã hội thì cho rằng chính sách vĩ mô chưa đủ tầm, chưa đủ mạnh để triệt tiêu môi trường sống của thuốc lá. Tức là người ta muốn nói tới hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực này chưa đầy đủ hoặc nếu có cũng chỉ làm chiếu lệ, chưa nghiêm.
Ở cơ quan, sếp hút thuốc lá, trong phòng làm việc có gạt tàn thì làm sao cấm đoán nhân viên? Ở gia đình, ông bố hút thuốc hết điếu này đến điếu nọ thì khó lòng dạy dỗ con cái tránh xa thuốc lá. Ở nơi công cộng, trong phòng họp… những con nghiện thuốc lá luôn miệng phì phà nhả khói choáng ngợp những người xung quanh mà chẳng thấy ai lên tiếng chỉ trích, phê bình. Việc buôn bán thuốc lá được công khai, câu chữ in tác hại của thuốc lá trên bao bì chưa đủ tác động đến thói thèm hút thuốc của những con nghiện… Tất cả những điều đó đã tiếp tay cho việc mở rộng môi trường độc hại vì khói thuốc lá.
Ở đây, tôi quan tâm nhiều đến môi trường học đường. Hầu như ở trường THCS và THPT nào cũng có học sinh hút thuốc lá, mặc dù nội quy nhà trường cấm. Tại sao lại như thế? Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng việc giáo dục và quản lí của gia đình còn lỏng lẻo; hay môi trường xã hội tác động lớn đến các em. Song như vậy e chưa đủ. Bởi ở đây cũng phải nói đến vai trò làm gương của người thầy. Tôi đồng ý là không có thầy cô giáo nào không dạy cho học trò mình tác hại nguy hiểm của thuốc lá, thậm chí dạy kĩ nữa là khác. Song tại sao không hiệu quả? Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc hút thuốc lá trong nhà trường. Thế nhưng, xem ra, việc chấp hành chẳng đâu vào đâu, ngay cả thầy giáo còn vi phạm thì trách chi học trò. Trường nào cũng triển khai văn bản quy định của giám đốc sở GD-ĐT nhưng hầu như trường nào cũng có thầy giáo hút thuốc trong khuôn viên trường. Thậm chí, có rất nhiều thầy giáo hút ngay trước mặt học sinh, hút ngay khi lên lớp và vô ý thức vứt tàn thuốc ngay trên bục giảng. Có nữ sinh bảo rằng trông thấy thầy giáo vứt tàn thuốc bừa bãi mà phát ngán, cũng chẳng trách gì các bạn nam khi bảo rằng thầy cũng hút đó có sao đâu…
Tôi biết, có nhiều trường học, trước tình trạng vô ý thức của một số thầy giáo nghiện thuốc lá, một số giáo viên đã từng lên tiếng phản đối, lãnh đạo trường chỉ đạo phải chấp hành quy định của ngành. Tình hình tạm lắng xuống nhưng chẳng bao lâu lại đâu vào đấy, thậm chí tệ hại hơn. Thầy giáo hút thuốc ngay trên lớp, khi tiếp khách, khi nói chuyện với học trò là sự vô trách nhiệm, phản giáo dục. Có cần phê bình, lên án để loại bỏ không? Nếu như các thầy chưa thể cai nghiện được thuốc lá thì cũng phải chấp hành quy định của Thủ tướng và của ngành giáo dục. Nghĩa là không hút thuốc công khai ở trong khuôn viên trường, ngay trước mặt học sinh, không để ảnh hưởng đến tâm lí và sức khỏe người khác. Đó là điều lịch sự tối thiểu cần có khi chấp hành một chủ trương, mà hơn ai hết giáo viên phải đi đầu!
Nhà giáo THANH LIÊM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)