Vả là một loại cây có quả giống như sung nhưng lớn hơn và lá cũng lớn hơn lá sung. Do đó, người Trung Quốc gọi cây vả là đại quả dung,đại diệp dung,viên diệp dung,vô hoa quả. Ở Việt Nam,vả còn được gọi là ngõa,tên khoa học Ficus auriculata Lour.(F. roxburghii Wall.),thuộc họ Dâu tằm-Moraceae.Người phương Tây gọi vả là sung tai voi (elephant ear fig) hoặc sung lá rộng (broad-leaf fig).
(Nguồn: Tuổi trẻ.)
Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Quả vả có dạng quả sung, tức là một cụm hoa bao gồm hoa đực và hoa cái trên một đế hoa lõm làm thành quả giả, vỏ màu xanh lục, có lông mịn, khi chín có màu đỏ thắm. Theo đông y, quả vả chín có vị ngọt tính bình,tác dụng kiện tỳ vị, nhuận trường, điều hòa nhu động ruột, lợi tiểu.Thường dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, táo bón, kiết lỵ, tiểu tiện khó, giun sán. Dùng tươi (40-50g) hoặc khô (20-25g),làm mứt,chế rượu để uống.
Quả vả xanh dùng làm rau ăn,có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ. Người ta thường chế biến vả xanh thành nhiều loại như : ăn sống (chấm với mắm), làm rau ghém cùng với các loại rau khác trong một số món ăn, kho với một số thực phẩm…
Món vả trộn tôm thịt + mè rang +rau thơm được coi là một trong những món ăn đặc sắc, rất ấn tượng của người Huế. Món ăn này có ích cho những người bị táo bón,ăn uống kém, mỡ trong máu cao, cao huyết áp.
Món vả xanh hầm với sườn heo hoặc móng giò heo rất bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, có tác dụng lợi sữa, an thần, trợ tiêu hóa.
Rễ và lá vả có tác dụng giải độc,tiêu thũng. Có thể dùng lá vả để làm thức ăn cho trâu, bò…
Nhựa cây vả được dùng bôi chữa mụn nhọt, mụn đỏ trên mũi của nam giới.
Lương y Đinh Công Bảy (TNO)
Bình luận (0)