Tên khoa học Capsicumn annuum L. Trong y học, ớt là vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giúp ngon miệng, dễ tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là những người mắc chứng bao tử đầy hơi và viêm mật.
Nói chung, tất cả các loại ớt hiểm, xiêm, sừng trâu, ớt ta (loại trái màu trắng, chín chuyển màu đỏ cam), ớt rừng (chim ăn thải phân có hột mọc thành cây), ớt tía Miến Điện và ớt Hinduari Ấn Độ… đều có hoạt chất dược tính là capsaixinae, vị cay, tính trung hòa hoặc tính mát do chứa nhiều vitamin A. Chất capsaixinae được trích ly từ ớt có tác dụng ức chế giảm đau, phong thấp, gút, khớp, đau dây thần kinh (trích ly capsaixinae chưng chân không thành cồn xoa bóp).
Nước cốt ớt cho ra hoạt chất (khi ngâm chung với giấm) có tác dụng kích thích da, đặc biệt ớt được ép lấy nước pha theo tỷ lệ 3 nước + 1 nước ép ớt (sừng trâu đỏ hoặc vàng có nhiều chất capsaixinae) tạo thành hỗn hợp dung dịch nước trừ chí và gàu rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, với phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa, da mỏng dễ bị nám, tàn nhang, thì không nên ăn nhiều ớt xiêm, ớt sừng trâu vào mỗi bữa ăn tối.
Cạnh đó, loại ớt hiểm (màu tím than) còn được dân gian sử dụng phòng ngừa nước độc, nước ở vùng núi rừng nhiều xác lá gây ô nhiễm. Trước khi uống, người dân thường bỏ bột ớt hoặc ớt khô để khử độc. Tại một số tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Trường Sơn người dân tộc Choro, Kơtu, Raglai còn biết chế biến ớt xiêm (bỏ hột), giã nhuyễn, lá phơi nắng khô hong khói bếp trộn với mỡ trăn, mỡ trâu thành loại keo dán trị rắn cắn, rít chích hoặc ong đốt.
Riêng ớt Hinduari Ấn Độ còn được sử dụng sơ cấp cứu bệnh chó cắn trước khi đến trạm thú y chích ngừa dại.
Dưới đây là các đơn thuốc chữa trị một số bệnh từ ớt (gồm thân, rễ, lá, trái):
Trị sốt rét kinh niên, vàng da do muỗi chích và chói nước: Dành cho các bệnh nhân đã chữa trị Tây y ở bệnh viện nhiệt đới nhưng vẫn dây dưa không giảm sốt cữ, sốt mạn tính. Người bệnh nặng mỗi ngày dùng 50gr lá ớt sừng hoặc lá ớt hiểm (chọn lá già, không bị sâu rầy, nắng héo), 50gr lá tiêu hột vừa chuyển màu xanh lục, một hoặc hai hạt cây mật gấu (gấc) đốt cháy thành than, tán nhuyễn. Lá ớt, lá tiêu hột rửa sạch, sao khử thổ. Cho cả 3 thứ vào 300ml nước sắc còn 50ml, chia làm 2 phần uống trước cơn sốt cữ.
Liên tục uống trong 10 ngày để cắt cơn sốt. Sau đó nấu 50gr lá ớt với 50gr ngọn bí đỏ và 50gr cà chua, ½ muỗng bột nêm, 50gr thịt lợn nạc (không mỡ) trong 500ml nước, sắc còn 300ml, chia làm 3 phần. Ăn sáng, trưa, chiều; liên tục 7 ngày để dứt hẳn sốt rét, không rụng tóc, ngủ được, ăn ngon, và hồng da lại.
Trị đau bụng, tiêu chảy, nhuận tràng: 100gr ớt hiểm loại trái chín (hoặc ớt xiêm), 100gr tiêu hột, 100gr đậu xanh còn vỏ, 1.000ml rượu trắng. Ớt, tiêu, đậu xanh rang vàng, giã vừa nát, không quá nhuyễn. Cho vào rượu ngâm với 3-5gr đường phèn (hoặc 5 muỗng cà phê đường cát) trong 10-15 ngày. Dùng chữa các chứng đau bụng, ăn khó tiêu, no hơi, kích thích nhu động đại tràng. Mỗi lần uống một chung 5ml pha với 10ml nước trà.
Đông y sĩ Kiều Bá Long (TNO)
Bình luận (0)