Vượt qua nhiều đội thi trên thế giới, sản phẩm thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo mộc “Nanoneem” thay thế thuốc trừ sâu hóa học độc hại do nhóm giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu sáng chế vừa đoạt giải nhất cuộc thi đổi mới sáng tạo toàn cầu “Hack4growth unlimited 2021”. Giải thưởng trị giá 10.000 USD và được đầu tư 20.000 USD để tiến tới hoạt động khởi nghiệp.
Nhóm tác giả thực hiện dự án
Cuộc thi “Hack4growth unlimited 2021” được Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức với sứ mệnh tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ở địa phương Việt Nam trên quy mô toàn cầu. Cuộc thi thu hút gần 200 dự án trên khắp các châu lục, trải đều ở nhiều lĩnh vực, từ y tế, văn hóa – du lịch, nông nghiệp, giáo dục đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Thay thế thuốc trừ sâu hóa học độc hại
Đầu tháng 10 vừa qua, dự án này đã đoạt giải quán quân cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” trị giá 30.000 đô la Canada, kèm theo 4.200 đô la Canada học bổng từ MOSAIC Summer school. Đây là cuộc thi thường niên toàn cầu về các dự án kinh doanh tạo tác động xã hội tích cực do ĐH HEC Montréal Canada và giáo sư Muhammad Yunus (Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng.
Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ứng dụng công nghệ nano trong việc đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Với nguồn gốc thảo mộc như neem, bạch đàn, hương nhu, quế… thay thế cho thuốc trừ sâu hóa học độc hại hiện nay, dự án hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững và thân thiện môi trường. Với giá thành ở mức cạnh tranh, sản phẩm của Nanoneem hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả và hỗ trợ người nông dân một cách tối ưu. Hơn thế, dự án còn giúp hỗ trợ việc bảo tồn rừng neem, lá phổi xanh của miền Trung Việt Nam.
Sản phẩm thuốc trừ sâu ít độc hại, thân thiện với môi trường
Dự án do TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung (Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế) làm trưởng nhóm, các sinh viên khoa này đồng nghiên cứu cùng một số sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tham gia hỗ trợ. TS. Nhung chia sẻ, tại cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” vừa qua, tất cả các đội ở Việt Nam không tham gia trực tiếp ở Canada được do tình hình dịch bệnh, phải dự trực tuyến thông qua Zoom, đây là một bất lợi lớn so với các đội từ những quốc gia khác. Tuy nhiên, nhóm đã cố gắng khắc phục và khai thác tối đa ưu thế của việc thi trực tuyến.
Tạo ra thay đổi thực sự
“Nhóm đã trải qua 9 tháng với nhiều vòng thi và thử thách từ các giám khảo ở những lĩnh vực khác nhau. Trong đó có nhiều câu hỏi rất sắc sảo đòi hỏi nhóm phải chuẩn bị và liên tục đổi mới, cải tiến. Có giám khảo, cố vấn còn kết nối giúp nhóm thử nghiệm sản phẩm ở Canada, New Zealand, Úc… chứng tỏ nông nghiệp sạch vẫn luôn là vấn đề rất nhiều quốc gia quan tâm. Đó là động lực để nhóm tiếp tục cố gắng hơn nữa”, TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ.
Nói về những dự định sắp tới của dự án, TS. Nhung cho biết vấn nạn thuốc hóa học độc hại hiện vẫn luôn nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà là ở quy mô toàn cầu. “Trong vòng chung kết của cuộc thi, tôi kể câu chuyện mẹ của mình luôn phải ngâm rau cả giờ đồng hồ, ăn trái cây gì cũng phải gọt vỏ. Từ ổi, táo đến quả nho bé xíu, ăn gì cũng sợ độc hại… Đó không phải là chuyện hiển nhiên, mà cần phải thay đổi. Tôi và đối tác vẫn đang cố gắng để đưa những sản phẩm của mình đến tay nhiều người nông dân hơn với sự cam kết về hiệu quả, độ an toàn, giá thành phù hợp. Tôi hy vọng thời gian tới có thể kết hợp với nhiều dự án khác đang thực hiện về nông nghiệp sạch để cùng tạo ra sự thay đổi thật sự”, TS. Nhung chia sẻ. Đối với dự án này, TS. Nhung cho biết sẽ cam kết dành toàn bộ lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, khắc phục hậu quả môi trường do hóa chất độc hại và bảo vệ rừng. Theo chị, đây là một hành trình dài và để biến nó thành một cuộc cách mạng, nhóm cần rất nhiều hỗ trợ, cần nhiều sự chung sức tham gia.
M.Tâm
Bình luận (0)