Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thuốc xịt mũi có gây nghiện không?

Tạp Chí Giáo Dục

Khụt khịt, ngạt mũi, khó thở – trong những lúc như vậy, chúng ta thường dùng thuốc xịt mũi để làm thông mũi. Nhưng từ đó một số người trở thành nghiện xịt mũi, việc này gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Nhiều người khi có triệu chứng ngạt mũi do cảm lạnh thường sử dụng thuốc xịt chống ngạt mũi trong một hoặc hai tuần để dễ thở hơn. Theo các bác sĩ tai mũi họng, biện pháp này là đúng đắn vì làm thông mũi để thở được và các dịch tiết do viêm mũi có thể chảy ra ngoài là điều cần thiết. Dùng thuốc xịt mũi là cách điều trị thông thường và hiệu quả.
Xịt mũi làm giảm sưng tấy ở màng nhầy khi bị cảm lạnh và mũi bị kích ứng. Các loại thuốc thông thường có chứa các chất giống như adrenaline nhưng không phải là các chất gây nghiện có tác động đến tâm lý.
Hầu hết các thuốc xịt mũi có thành phần chủ yếu là xylometazoline hoặc oxymetazoline. Hai hoạt chất này thuộc nhóm thuốc cường giao cảm. Các chất này làm co mạch máu, giảm sưng tấy và giúp chúng ta thở dễ dàng hơn. Người ta có thể dễ dàng dùng thuốc xịt mũi vì dựa vào nhận định rằng thuốc xịt mũi không nằm trong danh sách các chất và thuốc gây nghiện.
Không giống như thuốc xịt mũi, cocaine có khả năng gây nghiện rất cao.
Không giống như thuốc xịt mũi, cocaine có khả năng gây nghiện rất cao.
Tuy nhiên, màng nhầy trong mũi nhanh chóng quen với việc có thuốc hàng ngày, dẫn đến một vòng tròn luẩn quẩn là chúng ta càng xịt nhiều thuốc thì tác dụng càng chóng hết, và chúng ta càng phải xịt thuốc thường xuyên hơn. Và đến một mức nào đó thì thuốc cũng không còn tác dụng nữa và chúng ta sẽ rơi vào tình trạng ngạt mũi kinh niên do màng nhầy bị khô và rất khó để giữ ẩm thường xuyên.
Chỉ là thói quen hay thực sự là tình trạng nghiện thuốc?
Khi dùng thuốc chúng ta thường có ngay cảm giác mũi thông thoáng dễ chịu, khiến cho chúng ta lại muốn dùng lại khi thuốc hết tác dụng. Cứ như vậy câu chuyện trở nên không có hồi kết. Nếu bạn sử dụng tăng liều trong một thời gian dài thì sẽ không hề tốt cho mũi cũng như tâm lý của bạn. Mũi quá quen với cảm giác dễ chịu mà thuốc mang lại và ngày càng muốn có thêm thuốc. 
Bác sĩ Heino Stöver ở Viện Nghiên cứu bệnh nghiện do nguyên nhân xã hội, thuộc Trường đại học Khoa học ứng dụng ở Frankfurt, Đức, cho biết ranh giới giữa thói quen đơn thuần và sự lệ thuộc là rất mong manh. Thuốc xịt mũi mang lại tác dụng dễ chịu và làm đầu óc minh mẫn nên chúng ta rất dễ quen với việc sử dụng nó thường xuyên. Bác sĩ Stöver lấy ví dụ từ chính bản thân ông như sau: khi tôi còn trẻ, tôi rất hay dùng thuốc xịt mũi trong nhiều năm, mỗi ngày xịt 2 – 3 lần trong 2 năm liền. Do đó màng nhầy trong mũi tôi bị khô và không thể hồi phục cho đến tận bây giờ, khi tôi đã 64 tuổi. Ông cho biết vào thời gian sử dụng thuốc xịt mũi liên tục đó, hầu như không ai biết đến những vấn đề mà thuốc này có thể gây ra. Ngày nay, chúng ta biết rằng sử dụng thuốc xịt mũi quá 2 tuần liên tục có thể gây ra một loạt các hậu quả xấu cho dù thuốc này vẫn đứng ở cuối danh sách thuốc nguy hiểm và có rất ít nguy cơ gây nghiện nặng. 
Bản thân hoạt chất trong thuốc không gây nghiện và việc sử dụng thường xuyên thuốc xịt mũi không bị coi là biểu hiện của chứng nghiện thuốc, nhưng đây vẫn là tình huống giới hạn. Các thuốc này không gây hiệu ứng hướng thần như cocain, cần sa hay rượu mà là chúng hết tác dụng, khiến cho người sử dụng không thể chỉ dùng 3 lần mỗi ngày mà có thể lên đến 8 lần.
Tác dụng của thuốc xịt mũi sẽ giảm dần cho đến lúc không còn chút tác dụng nào nữa. Và tình trạng sau đó sẽ là màng nhầy trong mũi bị khô đến mức không thể thực hiện chức năng bảo vệ mũi nữa, trong khi chức năng của màng nhầy là bảo vệ mũi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và nó phải ẩm mới thực hiện được chức năng này.
Sử dụng thường xuyên thuốc xịt mũi sẽ bào mỏng màng nhầy đến mức mũi không thể làm ẩm không khí chúng ta hít vào, mà đây lại là nhiệm vụ của mũi, tức là làm ấm, làm sạch và làm ẩm không khí trước khi đi vào phổi. Do đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Hậu quá có thể xảy ra là bệnh trĩ mũi, hay còn gọi là mũi thối hoặc viêm mũi teo mãn tính. Vi khuẩn xâm nhập vào mũi gây ra mùi hôi. Người bị bệnh này thường không tự nhận thấy mùi hôi, nhưng người khác ở gần sẽ ngửi thấy. Và trong trường hợp này, thuốc xịt mũi không phải cách điều trị mà chính là nguyên nhân.
Bác sĩ Stöver nói rằng, một số người có thể quá quen với việc sử dụng thuốc xịt mũi hàng ngày đến mức họ bắt đầu cảm thấy khó chịu khi không có nó, thậm chí nhiều người còn thực sự không cảm thấy ổn để hoạt động bình thường khi không có sẵn thuốc xịt mũi bên người.
Có một cách cai sử dụng thuốc xịt mũi là giảm dần mức độ sử dụng, từ đó tăng ý thức về việc sử dụng và giảm liều thuốc. Nếu cần, người sử dụng có thể làm bảng theo dõi và ghi lại thời điểm sử dụng thuốc trong ngày, ghi lại cả lý do sử dụng là do thực sự bị ngạt mũi hay chỉ là thói quen. Không có trị liệu chính thức nào cho việc lạm dụng thuốc xịt mũi, vì thế mọi người phải tự mình điều chỉnh cách sử dụng thuốc này.
Sử dụng các ống xịt mũi có chứa muối biển tự nhiên cũng là một cách tốt để giảm dần phụ thuộc vào thuốc chứa hóa chất. Trong quá trình cố gắng giảm sử dụng thuốc, nhiều bệnh nhân lại bị ngạt mũi và khô mũi, nhưng trước khi cầm lấy lọ thuốc một lần nữa, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ. Đó là vì hiện tượng niêm mạc mũi khô có thể là biểu hiện của các bệnh khác chứ không đơn giản là do cảm lạnh thông thường, ví dụ như người bệnh bị polyp màng nhầy mũi. Khi đó người bệnh cần được phẫu thuật loại bỏ khối u nhỏ này. 
Ngạt mũi thường xuyên thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh vì nó có thể gây ra khô miệng, ngủ ngáy và ngủ không ngon giấc. Tuy nhiên, sử dụng thuốc xịt mũi thường xuyên chắc chắn không phải là giải pháp triệt để. Bác sĩ, nhà vật lý học và nhà khoa học tự nhiên Paracelsus sống cách đây 500 năm đã từng nói rằng: “Cái gì mà không độc? Tất cả mọi thứ đều độc và chẳng có gì là không độc. Chỉ có liều lượng mới quyết định một cái gì đó có độc hay không”.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)