Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thương cho roi… có còn phù hợp?

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với thời gian, ngày nay việc giáo dục học sinh (HS) đã có nhiều thay đổi. Đối tượng giáo dục của giáo viên (GV) là những lớp HS mới, nhanh nhạy, năng động nhưng cũng ngỗ nghịch và bướng bỉnh hơn. Người thầy không còn nắm giữ vị trí độc tôn, mối quan hệ thầy – trò cũng dần thay đổi theo hướng dân chủ hơn. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng hình thức roi vọt để giáo dục HS xem ra không còn phù hợp, thậm chí trong một số trường hợp còn phản tác dụng, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Những đòn roi nặng nề không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thân thể mà còn có thể làm tổn thương về mặt tinh thần. Theo các chuyên gia tâm lý, roi vọt là một hình phạt không nên lạm dụng. Việc thường xuyên bị đánh đòn rất dễ khiến trẻ hoặc lớn lên trong sợ hãi, nhút nhát hoặc trở nên chai lỳ cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều đáng quan ngại là, khi bị cha mẹ, thầy cô thường xuyên đánh phạt, đứa trẻ có thể phát sinh tâm lý thích sử dụng bạo lực với người khác.

Không thể phủ nhận, nghề giáo hiện nay đang phải đối mặt với không ít áp lực. Từ những áp lực về chuyện mưu sinh đến những áp lực về thành tích, hồ sơ, sổ sách… Tuy nhiên, không phải vì thế mà GV tìm cách giải tỏa áp lực lên HS qua những hình phạt bằng roi vọt. Thay vì lạm dụng hình phạt, GV cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn những hành vi sai phạm của HS. Khi buộc phải đưa ra những hình phạt đối với HS, GV phải đảm bảo hình phạt hoàn toàn công bằng, hợp lý, tránh yếu tố bạo lực, mang tính chất giáo dục và hướng thiện. Đặc biệt, nên áp dụng việc kỷ luật không nước mắt, nghĩa là có thể kỷ luật theo các mức độ khác nhau khi HS vi phạm nhưng không sử dụng những hình thức xử phạt bằng roi vọt mà chủ yếu là bằng tấm lòng yêu thương, sự cảm hóa xuất phát từ cái tâm của mỗi người thầy. Để làm được điều này, trước hết người GV phải thường xuyên trau dồi bản thân, đảm bảo tính chuẩn mực, mô phạm cần có. Một GV thường xuyên đến lớp muộn thì không thể trách phạt HS lỗi vi phạm này. Cũng vậy, một GV có tác phong không chuẩn mực thì HS sẽ không tôn trọng, đến khi những GV này sử dụng các hình phạt đối với HS thì các em rất dễ phản ứng lại. Không phải ngẫu nhiên, những vụ bạo hành đối với HS thường rơi vào những GV trẻ. Trong các trường đào tạo sư phạm hiện nay, việc hình thành kỹ năng ứng xử sư phạm cho sinh viên đang có phần bị hạn chế. Chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử sư phạm lại phải chịu áp lực không nhỏ từ nhiều phía, người GV rất dễ có những hành động nóng giận, bộc phát, nhất thời. Do đó, khả năng tiết chế, kiểm soát cảm xúc là hết sức cần thiết đối với mỗi GV. Việc giáo dục một lớp HS mới, có xu hướng bộc lộ cái “tôi” ngày càng mạnh hơn không phải là điều dễ dàng nhưng nếu GV thường xuyên quan tâm, gần gũi, hiểu được tâm sinh lý của từng đối tượng HS, biết phối hợp với phụ huynh để cùng uốn nắn thì những khó khăn có thể sẽ được tháo gỡ.

Thời nào cũng vậy, chính tình yêu thương, sự sẻ chia chân thành và sự công bằng của thầy cô sẽ cảm hóa và điều chỉnh được nhận thức của HS, nhất là với những em cá biệt.

Bùi Minh Tuấn
(GV Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)

Bình luận (0)