Có thể nói rằng, một bộ phận không nhỏ phụ huynh chúng ta đang “góp phần” tạo ra một thế hệ vô cảm cho xã hội. Quả thực như vậy, ở nhà, các em chỉ biết mình là “nhất” không quan tâm đến cha mẹ, ông bà; ở trường, những thói ích kỷ thường biểu hiện ra qua cách ứng xử của các em.
Đó là các em chỉ biết bản thân mình, không quan tâm tới bạn bè xung quanh. Sự chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu, thông cảm với nhau hầu như ít có. Sự hợp tác, làm việc nhóm chỉ là hình thức do sự phân công, bắt buộc của thầy cô. Nếu để các em tự lập thành nhóm học thì vô cùng khó… Ngay cả những học sinh được xem là thành phần tích cực như lớp trưởng, bí thư chi đoàn cũng vô cảm, thờ ơ với từng hoàn cảnh trong tập thể lớp… Việc giúp đỡ bạn gặp khó khăn (cuốn tập, cây viết, cuốn sách…) cũng hiếm khi xảy ra. Trong lớp, ngoài hành lang luôn đầy vỏ chai, vỏ ly nước, hộp xốp…
Vì sao có hiện tượng này? Tất cả vì thói vô cảm bởi các em không biết quan tâm tới người khác, chỉ biết riêng mình. Ở nhà, khi ăn đã có người dọn chén ra; ăn xong đã có người dọn chén vào; ngủ đã có người mắc mùng, xếp mền…
Tôi ở trọ một gia đình mà hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai học lớp 12. Tôi dạy kèm cho cháu… Vậy mà khi mẹ cháu đưa một đĩa trái cây ra, cháu lấy ăn tự nhiên, không mời mẹ, mời thầy một tiếng nào cả! Tất cả đều do cháu được cưng chiều, cháu luôn có nhu cầu được cha mẹ “phục vụ” chứ không có sự tự giác, sự lễ phép trong mọi việc ở nhà, dù là một việc rất nhỏ…
Thương con không có nghĩa là chiều con, làm thay cho con tất cả! Hãy tập cho các em biết làm những công việc vừa sức hàng ngày. Hãy dạy cho các em lòng biết ơn, sự quan tâm tới người xung quanh, biết sẻ chia, đồng cảm…
Ai mà không thương con? Nhưng thương con kiểu làm “nô bộc” cho con thì chỉ làm hại con mình mà thôi! Thương con như thế bằng mười hại con!
Hồng Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)