Từ hôm nay, tại Campuchia sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan như EAS 7, ASEAN +3, ASEAN +1, ARF. Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN ngày càng đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế và xã hội của khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức bước vào phiên khai mạc Cấp cao ASEAN 21 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong sáng nay.
Nghị trình dày đặc…
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 sẽ có sự tham gia của nguyên thủ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và lãnh đạo của nhiều siêu cường thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan.
Đây là dịp để ASEAN thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, duy trì đoàn kết khối và tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong phát triển cấu trúc kinh tế – xã hội khu vực, qua đó tiến gần hơn tới mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ngoài ra, Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan cũng sẽ nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong xử lý các vấn đề trọng tâm của khối liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực; đồng thời mở rộng quan hệ với các đối tác theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.
Hội nghị còn là dịp chứng kiến việc ký kết hai Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) liên quan đến tiêu chuẩn thú y và cây trồng, tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Bên lề Cấp cao ASEAN 21 cũng sẽ diễn ra một số sự kiện quan trọng khác như Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), Diễn đàn Đối thoại toàn cầu.
Hiện tại, việc triển khai đúng hạn và hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết và mở rộng kết nối khu vực là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Để đạt được các mục tiêu này, ASEAN đang triển khai Kế hoạch tổng thế về kết nối ASEAN trong nhiều lĩnh vực, từ kết nối hạ tầng, kết nối thể chế và kết nối con người. Ngoài ra, hiệp hội cũng tăng cường kết nối với các đối tác, từng bước thúc đẩy xây dựng mạng lưới kết nối trên nhiều tầng nấc.
Dự kiến kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ ký Tuyên bố Phnom Penh, thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) và một số văn kiện quan trọng định hướng hợp tác ASEAN như Tuyên bố về việc xem xét khả năng lập Trung tâm Khu vực ASEAN khắc phục mìn (ARMAC), Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Bali III.
Trong khi đó, các nước ASEAN và một số đối tác sẽ thông qua một số văn kiện gồm: Tuyên bố của lãnh đạo các nước ASEAN+3 kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3; Tuyên bố đối tác ASEAN+3 về kết nối; Tuyên bố khởi động đàm phán đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Tuyên bố Phnom Penh về Sáng kiến phát triển Cấp cao Đông Á (EAS), Tuyên bố Cấp cao Đông Á về phòng chống bệnh sốt rét kháng thuốc, Tuyên bố chung của Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ tư…
Với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với các nước ASEAN đóng góp vào thành công của Hội nghị, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác.
… và những thách thức
Tuần lễ cấp cao ASEAN 21 diễn ra trong bối cảnh các bên đều chưa quên được thất bại không ra được Tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) do sự bất đồng giữa các nước về phương thức giải quyết.
Sự cố hy hữu tại AMM-45, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm phát triển của ASEAN, cộng với những vấn đề bế tắc lâu nay trong giải quyết các vấn đề Biển Đông, nhất là việc ASEAN và Trung Quốc sớm cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) đã đặt ASEAN vào trung tâm của những tranh cãi giữa các cường quốc lớn và quan trọng nhất của thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Trong chuyến công du Indonesia mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hối thúc ASEAN thể hiện đoàn kết trong việc tìm kiếm một sự dàn xếp với Trung Quốc, nước hiện đang tuyên bố có chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông thông qua việc vạch ra đường lưỡi bò 9 đoạn “ôm” tổng diện tích lên tới 2 triệu km2 trong tổng số 3 triệu km2 của vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tiềm năng phát triển này.
Mặc dù trước thềm Cấp cao 21 khai mạc vào hôm nay (18/11), ASEAN và Trung Quốc cũng đã đạt được một số bước tiến trong việc tìm kiếm cách thức giải quyết xung đột ở Biển Đông và tiến gần hơn tới việc thảo luận COC, song đây vẫn được xem là vấn đề gai góc nhất tại Cấp cao 21 cũng như các hội nghị liên quan, đặc biệt là EAS-7, với sự góp mặt của nguyên thủ Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Vì vậy, những phát biểu của nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia về tình hình trong khu vực sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận khi Đông Á đang trở thành điểm nóng nhất trên bàn cờ chính trị thế giới trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa bầu ra bộ máy lãnh đạo mới, Nhật Bản chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử vào tháng sau, còn Australia công bố Sách Trắng khẳng định trọng tâm hướng về châu Á – Thái Bình Dương.
Có thể thấy kể từ sau Thế chiến II, chưa bao giờ Thái Bình Dương lại nổi sóng suốt từ biển Hoa Đông đến Biển Đông như hiện nay. Những yêu sách chủ quyền của một số nước trong khu vực đã buộc các nước còn lại phải lay hoay chống đỡ hoặc tìm đến sự trợ giúp từ bên ngoài. An ninh tại hai vùng biển này đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà khu vực phải đối mặt.
Trước thực tế đó, ASEAN cần phải nhanh chóng cùng hành động, cùng bắt tay “hướng tâm” thay vì “ly tâm”, cùng gác lại bất đồng vì một ASEAN đoàn kết mới có thể thực sự giữ vai trò trung tâm trong mọi chuyển động về kinh tế, chính trị và quân sự ở khu vực, đồng thời trở thành lực lượng cân bằng ảnh hưởng giữa các nền chính trị hùng mạnh, giữa một bên là Mỹ với kế hoạch tái can dự mạnh mẽ tại châu Á – Thái Bình Dương và một bên là Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Theo DTO
Bình luận (0)