Một góc thành phố Thượng Hải – Ảnh: Shutterstock
Mỗi nhà một kiểu kiến trúc, một sắc ánh sáng, tinh tế mà kiêu sa giữa đất trời rạo rực. Tôi cũng thích khám phá tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông (Oriental Pearl) biểu tượng của Thượng Hải bằng cách mua vé lên tầng không gian cao 350m để thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố rực rỡ như đêm hội hoa đăng khổng lồ nối đất với trời.
Vào nhà hàng xoay ở tầng cao 267m nhâm nhi cà phê, ngắm nhìn thành phố từ nhiều góc độ khác nhau mà có bạn tri âm để hàn huyên suy gẫm chuyện đời thì thật tuyệt. Tháp truyền hình Thượng Hải cao 468m, cao nhất châu Á và thứ 3 thế giới, sau Montreal và Moscow. Các phòng khách sạn trong tháp giá rất đắt. Tháp có 3 tầng quan sát ở độ cao khác nhau: 90m, 263m và 350m. Cũng không thể bỏ qua thú du thuyền trên sông Hoàng Phố để thỏa thích "săm soi" Thượng Hải từ dưới dòng sông mà cả thành phố và trời sao đang soi bóng lung linh huyền ảo.
Bên cạnh phố Tây với dấu ấn châu Âu cổ kính, phố Đông với những cao ốc chọc trời hiện đại và phố Nam Kinh rực rỡ cửa hiệu mua bán; còn có một Thượng Hải trầm lặng bình yên và lãng mạn: Không gian sách. |
Trước đây đi du lịch Trung Quốc là nghĩ tới hàng hóa bình dân, từ chất lượng đến giá cả. Phố Nam Kinh năm nào xập xệ tràn ngập đồ đại hạ giá bán "xôn" giờ trở thành "Trung Quốc đệ nhất lộ". Con đường dài hơn 5 km với cơ man nào là cửa hiệu thời trang cao cấp đủ loại. Những tòa nhà chọc trời ngạo nghễ, những phố thị sầm uất, nhộn nhịp mua sắm đến không ngờ. Có người bảo "15 năm trước, Thượng Hải qua Bangkok tham quan học tập về mô hình phát triển, còn bây giờ thì ngược lại". Mấy năm trước, công nghệ làm đường và tàu cao tốc ở Thượng Hải chủ yếu dựa vào Đức, Nhật thì bây giờ không chỉ tự lực mà còn xuất khẩu và lăm le soán ngôi các đại gia quốc tế trong ngành. Tòa nhà REN (Peoples Building) gồm liên hợp với nhà chính rộng 50.000m2, các tòa nhà phụ rộng 500.000m2, chi phí lên tới 1.100 triệu euro, có thiết kế hình chữ nhân nhô lên mặt nước. REN bao gồm cả khách sạn 1.000 phòng, quảng trường hiện đại, các khu plaza chuyên biệt để phục vụ cho Expo 2010.
Dù phát triển chóng mặt, Thượng Hải vẫn giữ lại những nét văn hóa riêng, bên cạnh phố Tây với dấu ấn châu Âu cổ kính, phố Đông với những cao ốc chọc trời hiện đại và phố Nam Kinh rực rỡ cửa hiệu mua bán; còn có một Thượng Hải trầm lặng bình yên và lãng mạn: Không gian sách. Đường Shaoxing còn gọi là đường xuất bản, đường sách – nơi tập trung các nhà xuất bản, cà phê sách, phòng đọc cộng đồng và nhà sách thành phố. Đường Fuzhon với hơn 30 nhà sách lớn hiện đại, nơi Albert Einstein từng đến giảng về thuyết tương đối vào năm 1923. Nhà sách lớn nhất có tên "Thành phố sách Thượng Hải" cao 7 tầng với 10.000m2 tràn ngập sách, rất dễ làm bạn đọc choáng ngợp. Những nhà sách chuyên biệt ở đây là nơi bạn đọc có thể tìm gặp bất cứ tác phẩm nào của nhân loại. Thế giới có phố chứng khoán, phố tài chính, phố truyền thống… chứ phố sách thì chỉ Thượng Hải mới có.
2. Sau gần 8 năm chuẩn bị – Expo 2010 đã khai mạc tại Thượng Hải với 189 quốc gia và 57 tổ chức quốc tế tham gia, kéo dài hơn 6 tháng (30.4 – 31.10) và là hội chợ tốn kém nhất trong lịch sử 159 năm tồn tại. Diện tích Expo gần 5,3 km2 với kinh phí đầu tư gần 60 tỉ USD (gấp đôi Olympic Bắc Kinh 2008). Có 170.000 tình nguyện viên làm việc trong Expo cùng 2 triệu người khác làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, dọn dẹp vệ sinh và điều phối giao thông. Hoành tráng – Ấn tượng – Sáng tạo… Expo 2010 đã được Trung Quốc và các nước tham gia nỗ lực tối đa để khẳng định sức mạnh kinh tế và tiềm năng của nước mình.
Dự kiến sẽ có gần 100 triệu người đến với Expo. Một điều đáng buồn: giữa các quốc gia bề thế, bản lĩnh và độc đáo thì gian hàng Việt Nam khiêm tốn và nghèo nàn, từ nội dung đến hình thức. Xuất hiện trong đấu trường thế giới, từ hội chợ sách, hội chợ du lịch và những hội chợ quốc tế khác, hình ảnh Việt Nam cứ chắp vá cảm tính, kiểu làm cho có và nước đến chân mới nhảy.
Tuy nhiên, cũng có người đặt vấn đề về tính hiệu quả kinh tế, khi nhiều công trình trị giá cả tỉ USD mà sau thời gian sử dụng đều bị tháo dỡ. Chưa kể những việc lùm xùm như hát nhép, tráo đổi ca sĩ ở Olympic Bắc Kinh và bài hát chính của Expo Thượng Hải Năm 2010 đang chờ đợi là đạo nhạc của nữ ca sĩ Nhật Bản Okamoto Mayo sáng tác và biểu diễn từ năm 1997…
3. Đến Thượng Hải không thể bỏ qua chùa Phật Ngọc có tượng Phật ngồi và tượng Phật nằm bằng ngọc được cung thỉnh từ Myanmar vào đời Quang Tự, nhà Thanh (1882). Kiến trúc chùa theo lối cung điện nhà Tống, nguy nga, tráng lệ. Tượng Phật ngồi là tượng Phật Thích Ca thuyết pháp, tượng Phật nằm là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, cả hai đều được khắc từ những khối ngọc trắng nguyên vẹn.
Còn Dự Viên (Yuyuan Garden) – khu vườn thanh bình là kiệt tác về kiến trúc cận đại, được xây dựng từ thời nhà Minh, rộng hơn 20.000m2 gồm 30 công trình hài hòa, tinh tế và đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc phương Đông. Vườn có 6 khu, trong đó khu Đại Thạch có những tảng đá ngoạn mục lấy từ đáy Thái Hồ gần Tô Châu nặng tới 2.000 tấn để tạo thành hòn non bộ cao 14m. Dự Viên do Pan Yudoan (Phan Doãn Doan) do tổng đốc Tứ Xuyên (1559) xây dựng trong 20 năm, làm quà mừng sinh nhật mẹ. Người Trung quốc khen Pan Yunduan là người con đại hiếu, còn tôi cứ mãi băn khoăn. Dự Viện – Một công trình tuyệt hảo/Món quà tặng mẹ sáu mươi xuân/Ai được tiếng người con hiếu thảo?/Còn nhân dân đói rách cơ bần!….
Giữa Thượng Hải lộng lẫy, xa hoa vẫn còn những góc khuất nghèo khổ, như "vạt áo cũ" của nữ hoàng. Những người bán hàng rong, lượm rác, những chiếc xe tự chế cũ kỹ, những xóm nhà xập xệ của dân nhập cư… Mới hay sự bình đẳng xã hội vẫn còn là ước mơ nóng bỏng của cả nhân loại.
Nguyễn Văn Mỹ / TNO
Bình luận (0)