Lâu nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị các DN nước ngoài đánh cắp thương hiệu ngày càng nhiều, trở nên nóng bỏng. Mặc dù pháp luật có các quy định, nhưng trên thực tế, nhiều DN đang đau đầu khi vừa xây dựng được thương hiệu là bị DN khác đăng ký trùng tên, lập lờ lợi dụng thương hiệu của mình. Cách nào để xử lý?
Bị “hớt” tay trên!
Bị ăn cắp tên thương hiệu, chỉ dẫn địa lý do không đăng ký bảo hộ đã dấy lên hơn chục năm qua, thế nhưng đến nay nhiều DN Việt vẫn phải đối đầu với vấn đề này. Các DN Việt Nam thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình ở các thị trường tiêu thụ ở nước ngoài để rồi một ngày tá hỏa đã có DN khác đăng ký “cướp” mất tên thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của mình.
Khi gõ tên Thịnh Phát trên Google có kết quả hàng trăm tên doanh nghiệp. Ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát. Ảnh: D.THY
Bài học xương máu từ việc không đăng ký bản quyền, tên thương hiệu ở nước ngoài khiến “nước mắm Nha Trang” phải đối đầu với bao khó khăn khi mình là chủ mà không được thừa nhận sản phẩm của mình tại thị trường bạn. Kế tiếp là nước mắm Phú Quốc bị công ty Viet Huong Fishsauce – Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và khu vực thị trường chung châu Âu, Trung Quốc và Australia. Hình ảnh thương hiệu mà Công ty Việt Hương đăng ký bảo hộ chính xác là có chữ “Phú Quốc” kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam (có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang). Rõ ràng việc đăng ký nhãn hiệu như trên đã gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Cà phê Trung Nguyên cũng thế, từ những năm 2000 đã từng bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ thế giới). Sau đó, website Trungnguyen.com.au trở thành website quảng bá, giao dịch Highlands coffee. Mới đây, khi đăng ký tên miền này tại Australia thì Trung Nguyên phát hiện Công ty The trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại. Đã vậy, Trung Nguyên tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Sau khi vụ tên miền thương hiệu Legendeecoffee bị người khác thâu tóm, Trung Nguyên lại có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.
Bên cạnh việc các “đại gia” phải đối đầu với việc bị mất cắp thương hiệu ở thị trường nước ngoài, thì nay, hàng loạt DN mới nổi trong nước phải đối đầu với việc bị DN mới ra đời ở trong nước đăng ký trùng tên. Ngay các tên thương hiệu nổi tiếng của các bệnh viện lớn thành phố cũng bị lợi dụng. Cụ thể là tên cửa hàng Mắt kính Thống Nhất nhưng thực tế cửa hàng này không liên quan gì đến Bệnh viện Thống Nhất; Nha khoa Chợ Rẫy và Thẩm mỹ Chợ Rẫy đều được xác định là không liên kết gì với Bệnh viện Chợ Rẫy. “Thương hiệu Chợ Rẫy là thương hiệu uy tín, nếu đặt tên kiểu này sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng” – chị Nguyễn Thị Mười (quê Tiền Giang) nói.
Hiện nay, rất nhiều công ty vừa xây dựng được thương hiệu, có chút tiếng tăm là bị hàng loạt công ty mới đăng ký tên trùng hoặc tương tự. Chỉ cần vào trang web của Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, đánh tên một thương hiệu nổi tiếng trong bất kỳ một một lĩnh vực nào, sẽ có hàng trăm tên trùng. Chẳng han, gõ từ bất động sản Hưng Thịnh hoặc Thịnh Phát là có kết quả hàng trăm tên DN trùng hoặc tương tự. Có rất nhiều cuộc tranh chấp diễn ra sau vụ hai sàn giao dịch bất động sản cùng tên “Nam Tiến” ra đời khiến cho DN cũ, có uy tín lâu năm phải vất vả giải thích cho khách hàng, cuối cùng giải thích không xong, đã phải dẫn đến tranh chấp…
Cần chế tài mạnh
Thế nhưng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã lách bằng cách thay vì Công ty TNHH Nam Thành thì DN đăng ký sau chỉ cần thêm vào chữ “thương mại” hoặc “thương mại dịch vụ” Nam Thành là được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép. Thậm chí, tên một DN y chang nhau, nhưng ở những tỉnh thành khác nhau thì không bị xem là tên trùng, vẫn được Sở Kế hoạch Đầu tư các tỉnh cấp phép (vì hiện nay các tỉnh chưa liên thông được với nhau). Trong khi các quy định về tên trùng của Luật Doanh nghiệp như kể trên có hiệu lực trên toàn quốc.
Một công ty TNHH cho biết chuẩn bị làm đơn khởi kiện một DN khác đặt tên trùng với tên công ty của anh (chỉ khác nhau chữ “dịch vụ”). Sau khi được cấp phép, DN này đã để bản thương hiệu trùng tên công ty và bán đúng ngành nghề mà công ty của anh đã vất vả bao nhiêu năm mới xây dựng được thương hiệu. Điều đó đã gây cho khách hàng nhầm tưởng cửa hàng của DN này là chi nhánh của công ty anh. Thậm chí có khách hàng mua trúng hàng dỏm đã mang hàng đến công ty anh khiếu nại.
Nhiều DN phải tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu logo gắn liền với tên DN để có cơ sở khiếu kiện DN đăng ký sau “ăn cắp” thương hiệu của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Thiết nghĩ, nhà nước cần có một quy định, chế tài xử lý vi phạm về tên trùng, đánh cắp thương hiệu để bảo vệ những DN chân chính. Nếu không sẽ rơi vào trường hợp giống như một DN mới đây phải dở khóc dở cười vì loại hình công ty là công ty TNHH đã ra đời gần 20 năm, nay muốn chuyển thành công ty cổ phần lại bị Sở Kế hoạch Đầu tư từ chối vì đã có một công ty cổ phần trùng tên vừa đăng ký. Anh bức xúc: “Chúng tôi đã xây dựng thương hiệu hàng chục năm nay, giờ bị DN mới ra đời cướp mất tên, có nghĩa là công ty chúng tôi không bao giờ được cổ phần hóa, không bao giờ trở thành công ty đại chúng, chào bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán sao?!”.
Dù Điều 32 Luật Doanh nghiệp quy định những điều cấm trong đặt tên DN là không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của DN đã đăng ký. Giải chính tên trùng và tên gây nhầm lẫn, tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp nêu rõ: Tên trùng là tên đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của DN đã đăng ký. Còn tên gây nhầm lẫn là tên được đọc, tên viết tắt giống như tên DN đã đăng ký. Nếu tên khác bởi ký hiệu “&” hoặc thêm số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái, thêm chữ “tân”, “mới”, “miền bắc”, “miền nam”, “miền trung”, “miền tây”, “miền đông” ngay sau tên riêng của DN đã đăng ký cũng được coi là tên gây nhầm lẫn. |
HÀN NI (SGGP)
Bình luận (0)