Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thương hiệu nông sản: Mất tiền nhiều, hiệu quả thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt nền móng ban đầu, việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều.
Hiện nay chỉ có 20% nhãn hiệu nông sản VN được đăng ký, tình trạng các nhãn hiệu nông sản bị xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Hàng loạt vấn đề bất cập trong việc phát triển, bảo vệ thương hiệu nông sản đã được các nhà khoa học đưa ra tranh luận tại hội thảo Bảo vệ thương hiệu nông sản VN do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức ngày 8-11 tại Hà Nội.
Thương hiệu đại trà
Dẫn ví dụ thực tế sản vật từ địa phương mình, ông Nguyễn Ngọc Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), cho biết vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp chỉ dẫn địa lý nhưng đi đến bất cứ nơi nào mua vải cũng được giới thiệu là vải Thanh Hà. “Thương hiệu này rõ ràng đang bị lạm dụng. Việc bảo vệ thương hiệu nông sản VN đang tồn tại nhiều bất cập” – ông Ngoãn nói.
Ông Ngoãn còn cho biết sản lượng vải hằng năm càng cao thì nỗi lo về giá và thị trường tiêu thụ càng lớn, giá vải thiều đến tay người tiêu dùng rất cao nhưng thương lái vẫn tìm cách ép giá. Điều này khiến thương hiệu có khả năng bị mất nếu nhiều loại vải khác kém chất lượng trà trộn mạo danh.
Ông Ngoãn lý giải lâu nay trái cây nước ngoài xâm nhập vào thị trường nội địa tràn lan, trong khi những mặt hàng đó chúng ta không thiếu như thanh long, xoài, vải thiều, nhãn lồng, chôm chôm… “Vải thiều ngon được đóng thùng vài chục tấn đưa vào miền Nam, chi phí bỏ ra khá lớn mà người trồng chỉ bán được 3.000 đồng/kg, thương lái nước ngoài thu mua với giá cao gấp 5-6 lần thì thử hỏi tại sao không chảy máu nông sản, mất thương hiệu” – ông Ngoãn phân tích.

Tình trạng các nhãn hiệu nông sản bị xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tăng.
Cũng đưa ra dẫn chứng trong bảo vệ thương hiệu nông sản, ông Nghiêm Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Sở hữu trí tuệ VN, cho biết năm 2003 rộ lên chuyện sở hữu nhãn hiệu chè Tân Cương (Thái Nguyên). Tỉnh này là vùng đất chè nổi tiếng, có ba vùng chè ngon, đặc sản, trong đó có Tân Cương. Lúc đó, doanh nghiệp (DN) tư nhân Hoàng Bình nhận thấy phong trào sản xuất, kinh doanh chè phát triển nên đã ngay lập tức đăng ký lấy tên Tân Cương Hoàng Bình. Đến khi nhãn hiệu chè Tân Cương có tiếng tăm, bán giá cao thì chính quyền xã Tân Cương bùng lên đòi lại tên nhãn hiệu chè Tân Cương.
Cà phê Buôn Ma Thuột và bài học thương hiệu
Trong khi đó, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Các địa phương đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động này nhưng kết quả còn khiêm tốn. Bằng chứng là thời gian qua rất nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng bị đánh cắp.
Ông Minh lấy ngay dẫn chứng từ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc bị DN nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Nguyên tắc cơ bản của bảo hộ sở hữu trí tuệ là bảo hộ theo lãnh thổ, nhãn hiệu của ta đăng ký ở VN thì chỉ được bảo hộ tại VN, không được bảo hộ ở lãnh thổ nước khác.
Tuy nhiên, ông Tạ Quang Minh nhấn mạnh việc DN nước ngoài lấy chỉ dẫn địa lý của ta để đăng ký thì có thể nhãn hiệu của chúng ta bị mất nhưng chưa khẳng định thương hiệu bị mất. “Thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý mà còn là uy tín, danh tiếng, thị trường… trong cả quá trình lâu dài” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, khi nhãn hiệu đã được xác lập quyền cho người khác thì vẫn có khả năng lấy lại được. Về nguyên tắc, việc này có thể thực hiện theo ba cách gồm thỏa thuận mua lại, ngoại giao hoặc tiến hành thủ tục để đình chỉ, hủy bỏ đăng ký của người khác. Theo Điều 10 và 15 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, tên địa danh đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP, tên địa danh nước ngoài được biết đến rộng rãi; nhãn hiệu có chỉ dẫn địa lý mà hàng hóa không xuất xứ từ vùng đất đó gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng thì sẽ bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng. Đây là một trong những lợi thế để VN có thể giành lại nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, hiện nay nông dân sản xuất chủ yếu riêng lẻ, nếu để nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu rất là khó. Vì vậy cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, hiệp hội, chính quyền để tuyên truyền và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nông dân.
Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, cho rằng việc đăng ký thương hiệu là một chuyện nhưng bảo vệ, vận hành, sử dụng lại không dễ dàng gì thuyết phục người dân. Điều đó cần có quá trình và sự thống nhất của người dân, vai trò của hiệp hội và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
TRÀ PHƯƠNG
Theo Phap luat

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)