Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thương hiệu Việt xuất ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù chưa có nhiều, nhưng cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc xuất khẩu thương hiệu ra thị trường nước ngoài đang dần rõ nét.

 
Thương hiệu bánh ABC của doanh nghiệp Á Châu (TP.HCM) tại thị trường Campuchia – Ảnh: N.Bình
Không chỉ giúp việc phát triển thương hiệu, doanh nghiệp xem đây như là cơ hội khẳng định năng lực cạnh tranh về mặt bằng giá cũng như chất lượng sản phẩm.
Thời trang Việt tại kinh đô Ý
Có một thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng được chính thương hiệu của mình ở thị trường nước ngoài. Việc tìm được một đối tác hay thị trường nước ngoài chấp nhận và sử dụng chính thương hiệu của mình ở thị trường bản xứ lại càng khó hơn.
Tháng 7-2010, cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu “Mattana” của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (NBC) sẽ xuất hiện tại thành phố Cagliari, Ý. Theo lộ trình hợp đồng đã ký kết, cửa hàng thứ hai sẽ có mặt tại thành phố Napoli. Theo ông Lê Mạc Thuấn, phó tổng giám đốc NBC, hợp đồng nhượng quyền thương mại cho đối tác ở Ý được ký kết tới 10 năm.
Trong đó, các cam kết về cung cấp sản phẩm, trưng bày cửa hiệu cũng như việc sử dụng thương hiệu “Mattana” của NBC được quy định khá chặt chẽ. “Chúng tôi cung cấp áo sơmi, quần tây và veston do chính NBC thiết kế, sản xuất. Việc cung ứng hàng sẽ được thực hiện đều đặn hằng tháng, trị giá bình quân khoảng 300.000 USD cho mỗi lần xuất hàng”, ông Thuấn cho biết.
Ở những thị trường gần hơn như Campuchia, Lào, Philippines hay Nhật Bản, các sản phẩm thương hiệu Việt ngày càng xuất hiện nhiều và được đón nhận.
Chọn hình thức mở tổng đại lý phân phối tại thị trường Campuchia, Lào từ giữa năm 2009, ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc Việt Tiến (VTEC), cho biết đây là lựa chọn phù hợp của VTEC ở giai đoạn này. “Đối tác tại Lào sẽ chuyên doanh sản phẩm hàng may mặc của Việt Tiến tại thủ đô Vientiane theo hình thức “mua đứt bán đoạn”. Họ có thể chọn mua các loại sản phẩm sẵn có của Việt Tiến, hoặc đặt hàng theo nhu cầu để Việt Tiến sản xuất cho phù hợp với thị trường Lào”, ông Kiệt chia sẻ. Sau Campuchia và Lào, mục tiêu Việt Tiến tiếp tục hướng tới là Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia…
Thâm nhập “thủ phủ” Quảng Châu
Mặc dù doanh thu từ thị trường xuất khẩu đối với nhiều doanh nghiệp trong nước chưa cao, nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu chính là tự bảo vệ thị phần của mình trên sân nhà. Ông Nguyễn Minh Tuấn – giám đốc Công ty Kềm Nghĩa – cho biết đã mở đại lý phân phối độc quyền tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). “Đây là quyết định mang tính chiến lược nhiều hơn mục tiêu doanh thu. Bởi Quảng Châu là nơi thương nhân các nước đổ về lấy hàng sỉ, có đại lý phân phối tại đây, cơ hội đưa sản phẩm kềm Nghĩa đi xa hơn”, ông Tuấn nói.
Hiện giá một sản phẩm của thương hiệu Kềm Nghĩa thường cao gấp 3-4 lần so với sản phẩm nhái và vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc bằng chính chất lượng vượt trội. “Điều quan trọng là người tiêu dùng Trung Quốc đã đón nhận, họ tìm mua sản phẩm kềm Nghĩa chính gốc, giá cao chứ không phải những chiếc kềm bị làm nhái”, ông Tuấn bộc bạch.
Trong khi đó, Kinh Đô lại chọn Nhật để “khai phá” thị trường xuất khẩu. Ông Lê Phụng Hào, phó tổng giám đốc Kinh Đô, cho biết đó là một thách thức lớn nhưng là chiến lược an toàn. Hiện Kinh Đô vẫn đều đặn xuất khẩu dòng bánh AFC và cracker sang thị trường Nhật Bản.
Theo các nhà kinh doanh, để sản phẩm Việt ra nước ngoài, yếu tố đầu tiên là sản phẩm phải đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân bản địa và chất lượng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bà Bùi Thị Hương, phụ trách đối ngoại của Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk), cho biết khi quyết định mở đường sang thị trường mới, đơn vị đã phải bỏ không ít công sức nghiên cứu điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, trong sáu tháng đầu năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu sữa đặc có đường của Vinamilk đã thu về hơn 10 triệu USD bằng các nhãn hàng “Vinamilk – Southern Star” cho thị trường Philippines, “Vinamilk – Bestcow”, “Vinamilk – Captain” ở thị trường Campuchia.
Giá làm giảm sức cạnh tranh
Một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại nước ngoài là giá. Hiện hình thức phân phối các sản phẩm VN đi các nước chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu, phương thức kinh doanh bán hàng giá gốc hay mở đại lý, cửa hàng tại nước ngoài chưa được chú trọng. Do vậy, giá bán đến tay người tiêu dùng được quyết định bởi nhà nhập khẩu.
T.V.N. – N.BÌNH/ Tuoi Tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)