Mai sau những đứa trẻ người Rục này sẽ không còn cảnh “vào hang – ra bản” như cha mẹ
|
Đã qua rồi cái thời đồng bào Rục ở các bản làng vùng cao thuộc xã Thượng Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) hễ thấy bóng người lạ là trốn biệt vào rừng rậm. Cuộc sống du canh du cư theo phương thức “phát, cốt, đốt, trỉa” nên con chữ, phép toán đối với họ gần như là điều “xa xỉ”…
“Có được cuộc sống ấm no hôm nay, con em được tới trường học cái chữ, đồng bào biết học cách trồng cây lúa nước là nhờ sự tận tình chỉ dẫn của cán bộ Đồn biên phòng 585 đấy”, già Trần Trực, Trưởng bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa phấn khởi nói.
Nửa thế kỷ trước, các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng (Đồn 585) đã phát hiện trong hang đá Cà Rừng ở vùng cao huyện Tuyên Hóa có gần 40 người Rục sinh sống. Với con số ít ỏi đó, cùng với cuộc sống chui nhủi trong hang đá lạnh lẽo, hễ thấy người lạ là họ lại cắm đầu chạy trốn đã đặt dân tộc này trước nguy cơ diệt vong lớn. Cùng với nhiều chính sách và nỗ lực của cộng đồng các dân tộc anh em, đồng bào Rục bắt đầu hòa nhập và ổn định cuộc sống định canh định cư.
Cõng lúa nước… lên rừng
“Xưa nay, cây lúa nước vốn chỉ được trồng ở đồng bằng. Thế nhưng, người Rục bây giờ ở trên núi cao cũng đã biết trồng lúa nước rồi, bỏ được thói quen đốt rừng làm rẫy gây hại môi trường và cũng không còn sống theo kiểu săn bắt hái lượm nữa”, già Trần Trực nói khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các bản làng giữa lúc màn sương buổi sớm vừa bị cái nắng xua tan, để lộ ra những khoảnh đất trồng lúa xanh mơn mởn.
Trên con đường mòn cheo leo chỉ đủ đặt bàn chân dẫn về bản Yên Hợp, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ đi ngược chiều vai mang nặng hàng hóa trở về sau buổi chợ. Nhiều người đàn ông tay cầm rựa, vai vác từng bó củi nặng nhọc vẫn không quên mỉm cười chào khách lạ. Già Trần Trực đi trước dẫn lối chân bước phăng qua gai cỏ, gương mặt rạng rỡ. Ngót nửa thế kỉ trước, trong kí ức của người trưởng bản này, cuộc sống của đồng bào Rục ở vùng đất Yên Hợp, bản Ón, bản Mò O Ồ Ồ gần giống với tên gọi của nó. Không giao tiếp với bên ngoài, cuộc sống du canh, du cư nay đây mai đó theo phương thức săn bắt hái lượm vì thế cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cụm từ “no đủ” là điều họ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. “Thuở xưa, đồng bào Rục không chỉ cánh đàn ông mà phụ nữ cũng biết uống rượu. Không chỉ biết mà gần như nghiện. Đã không tìm được cái ăn đầy đủ lại còn tật nghiện rượu thì làm ra được bao nhiêu họ cũng đem đổi rượu hết. Mọi thứ đều quy về rượu!”, già Trần Trực kể lại. Cũng vì lí do đó, ròng rã trong hơn nửa thế kỷ ấy, kể từ ngày các chiến sĩ biên phòng phát hiện rồi Nhà nước có chính sách ưu đãi để giúp họ hòa nhập cộng đồng thì cái điệp khúc vào hang – ra bản của tộc người Rục vẫn cứ lặp đi lặp lại. “Đau đầu nhất là ngân sách, phương tiện Nhà nước hỗ trợ cho dân làm kế sinh nhai nhưng người dân vẫn cứ vô tư đem đi đổi rượu. Khi hết thứ để đổi, họ lại dắt díu nhau quay lại hang đá sống đời hoang dã”, ông Trực buồn rầu.
Để giúp đồng bào thực sự hòa nhập, khoảng năm 2009, Ban Dân tộc miền núi cùng với sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng đưa ra phương án cầm tay chỉ việc, việc làm đi cùng lời nói cho đồng bào thấy, đưa cả máy cày lên núi, bắt tay vào cày đất trồng lúa nước cho bà con được mục sở thị. Xem các phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, ai cũng gật gù ra chiều thán phục nhưng vẫn không có ai làm theo. Hỏi ra mới biết, theo luật tục của người dân vùng cao này, nguồn nước suối được xem là nguồn nước thiêng, không được cày xới, bón phân bởi họ sợ sẽ làm ô nhiễm môi trường, động đến thần linh. Vận động mãi, người dân mới chịu làm thử. Thế rồi, khi giao ruộng cho bà con thì không lâu sau cỏ lại mọc lấn lúa. Hỏi dân, dân nói: Cán bộ trồng lúa thì cán bộ nhổ cỏ. Còn miềng chịu, cỏ mần răng nhổ hết được!
Cả xã lúc bấy giờ chỉ có gia đình trưởng bản Trần Trực mạnh dạn bước qua lời nguyền để trồng lúa nước. Qua một vụ mùa, 2 sào lúa của ông Trực phát triển tốt, đồng bào Rục ở cả 3 bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp và bản Ón của xã Thượng Hóa mới bắt đầu làm theo. Cùng với sự nỗ lực của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 585, chỉ qua hai vụ mùa, đất đai hoang hóa được tận dụng vỡ hoang, cánh đồng mang tên Rục Làn rộng gần 10ha mướt một màu xanh trải rộng trước tầm mắt. Kênh mương thủy lợi nội đồng mang nguồn nước suối về tận chân ruộng. Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng 585 chia sẻ: “Để bà con nghe và làm theo, mỗi chiến sĩ được phân công cắm bản đều rất kiên trì và tận tụy. Do bà con hòa nhập cộng đồng muộn, cách thức sản xuất chủ yếu là săn bắt, hái lượm nên vận động được bà con làm theo là một chuyện còn làm được lại là chuyện khác”.
Con chữ nghĩa tình
Xóa nghèo phải bắt đầu từ thay đổi tư duy nhận thức. Các chiến sĩ Đồn biên phòng 585 lại cử cán bộ bắt tay vào dạy xóa mù cho bà con dân bản. Đầu năm 2012, bản Ón còn nhiều người chưa biết chữ, các chủ trương chính sách vì thế khó đến với bà con. Một lớp học xóa mù được mở do thầy giáo – cán bộ Đồn 585 Trương Thanh Lưu đứng lớp. “Ban đầu vận động bà con đến lớp quả thật vất vả hết chỗ nói. Lớp mở ra đi kêu gọi đầu thôn cuối bản mà chỉ có vài người học”, thầy Lưu tâm sự. Nguyên nhân vì bà con phần lớn đã ở vào cái tuổi 40, 50 mà vẫn phải đánh vần đọc i tờ thì ai cũng xấu hổ.
Với sự nhiệt tình cùng phương pháp soạn bài giảng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, dần dà lớp học thu hút được gần 40 học sinh. “Đến nay gần 100% học sinh của lớp đã viết chữ một cách rõ ràng, còn biết làm phép tính. Đặc biệt, bà con ai cũng tự giác đến lớp chứ không cần phải vận động nữa”, thầy Lưu cho biết thêm.
Đêm bên bếp lửa nhà sàn bập bùng cháy, ông Cao Tiến Huỳnh, 70 tuổi, phấn khởi nói: “Đời miềng, nhờ bộ đội hướng dẫn mới có được trong nhà cả tấn thóc. Sướng cái bụng lắm, xưa nay toàn ăn sắn với củ rừng. Cũng nhờ bộ đội mà đồng bào Rục đã biết ăn chín, uống sôi, ngủ bằng màn để tránh muỗi, cầm cái cuốc làm nương. Sướng nhất là bây giờ đồng bào Rục đã tự tay trồng được lúa nước, rồi con cháu đứa mô cũng biết viết cái chữ, kí tên mình”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
50 năm để đưa đồng bào Rục gần lại với các dân tộc anh em, tập cho họ thói quen định canh định dư lâu dài rồi làm quen với phương thức sản xuất phát triển kinh tế bền vững quả là một câu chuyện dài đối với những người lính áo xanh cắm bản, giữ biên cương ở chốn núi rừng heo hút còn nhiều tập tục lạc hậu này.
|
Bình luận (0)