Dạy trẻ biết làm việc từ nhỏ sẽ nâng cao kỹ năng sống cho trẻ
|
Không cho con đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì là cách thể hiện tình thương đối với con cái của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Điều này vô hình trung có thể đẩy trẻ thành người thiếu kỹ năng sống khi lớn lên.
Sợ con cực…
Vừa đưa con đến cổng trường thì gặp cô bạn, chị Nguyễn Thị Hồng (Q.Bình Thạnh) than thở: “Con với chả cái, mình đi vắng đột xuất có mấy ngày mà nhà cửa bừa bộn, quần áo vứt lung tung, ly chén ăn uống xong không rửa. Kêu con dọn dẹp thì mặt mày bí xị, đụng đến việc thì tay nặng tay nhẹ…”. Con chị Hồng năm nay học lớp 9, vì là con một nên cậu bé được cả nhà cưng chiều. Từ nhỏ, mọi việc như quét nhà, lau dọn, rửa chén… chị làm hết, không cho con đụng vào, tất cả ưu tiên cho cậu bé nghỉ ngơi học bài. Vì thế mà khi đụng vào việc, cậu bé tỏ ra ngán ngẩm không làm.
Có thể nói, hiện nay nhiều bậc cha mẹ thương con, sợ con vất vả nên quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Chị Tú Bình (Q.Tân Bình) cho biết: “Con còn nhỏ mà bắt làm việc thì thấy tội. Hơn nữa, cháu học hành nhiều quá, thôi thì để con có thời gian học tập mình làm hết mọi việc cũng được”. Cũng có nhiều gia đình thuê người giúp việc nhà thì chuyện trẻ làm việc vặt là “không tưởng” cơm bưng nước rót tận nơi.
Cô Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường TH Tô Hiến Thành (Q.10), chia sẻ: “Tôi từng nghe một phụ huynh phản ánh: “Tại sao con tôi nộp tiền bán trú đầy đủ mà vẫn phải làm, phải tự phục vụ bữa ăn cho mình”. Cũng không thể trách phụ huynh vì ai nhìn thấy con mình làm đều xót ruột cả. Nhưng thực ra công việc chẳng có gì nặng nhọc, HS chỉ tập bưng cơm ra rồi dọn cất sau khi ăn xong. Nhà trường không ép buộc, quan trọng là HS thích thú với công việc nên các em tự làm”.
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4), kể cho chúng tôi nghe chuyện “sướng con khổ mẹ” của người thân: “Tôi có người chị họ, hơn 4 giờ sáng đã phải dậy chuẩn bị đồ ăn thức uống… cho các thành viên trong gia đình để chồng đi làm, con đi học sớm. Nay con cái đã học ĐH, chị đã lớn tuổi mà chúng không biết làm cái gì ngoài việc ăn, ngủ, nghỉ và đến trường. Nếu chẳng may chị bị bệnh thì ai nấu cơm, nhà cửa ai dọn dẹp? Bấy nhiêu thôi mà tôi thấy tình thương chị dành cho con là không ổn”.
Theo cô Trần Thị Lan, đối với một đứa trẻ, ngay từ nhỏ không biết quét nhà, lau nhà, rửa chén… thì lớn lên chúng khó chấp nhận tự làm mọi công việc này. Chưa kể, trẻ sẽ không cảm nhận được giá trị công việc, lớn lên dễ vô tâm, ích kỷ, yếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân, phụ thuộc người xung quanh, khả năng tự lập không cao….
Tập cho trẻ làm việc
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) từng nói, một cái cây vững chãi nhờ chính bộ rễ khỏe mạnh của nó, nếu chỉ đứng tựa nhờ những cây chống đỡ thì khi không còn được chống đỡ nữa, một cơn gió mạnh có thể làm cho nó bị quật ngã dễ dàng.Con người cũng vậy, một đứa trẻ nếu được cha mẹ làm giúp mọi việc, chăm bẵm từng chút, đứa trẻ ấy dễ trở nên yếu ớt, thiếu kỹ năng tự chăm sóc, rộng hơn là kỹ năng tự lập. Cha mẹ không thể ở bên cạnh con mãi mãi. Vì vậy để trẻ tập sống, biết lo cho mình khi không còn cha mẹ bên cạnh mới giúp trẻ tự tồn tại được. Thương con là tốt nhưng sẽ tốt thật sự nếu thương đúng cách.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên nhủ, ngay từ lúc 3 tuổi, khi trẻ đòi tự làm một số thứ thì cha mẹ thay vì ngăn cản, hãy tận dụng để trẻ tập tự phục vụ mình. Cha mẹ có thể mất 5 phút để hướng dẫn con cách mặc xong cái áo, nhưng vài lần sau trẻ biết tự mặc áo cho mình. Tương tự, cha mẹ nên tập cho trẻ tự mang giày dép, tự rót nước uống, tự để đồ bẩn vào máy giặt, tự vệ sinh tay chân… là đang hình thành cho trẻ biết tự phục vụ và chăm sóc cơ thể mình. Lớn hơn một chút, dạy trẻ tự tắm rửa, tập lau nhà, tự dọn dẹp đồ chơi, giúp mẹ phơi đồ, tự gấp quần áo, chăn mền… tức là cha mẹ đang dạy trẻ biết tự sắp xếp cuộc sống hàng ngày của mình. Sau đó, có thể tập trẻ nấu ăn, tự giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống để khuyến khích trẻ suy nghĩ và hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, dạy con tự lập không có nghĩa là bỏ mặc trẻ tự làm. Cha mẹ cần: Cho con biết vì sao phải tự làm chuyện đó tùy theo khả năng nhận thức trẻ; hướng dẫn con làm thế nào mới là đúng, tập cho trẻ thao tác từ đơn giản đến phức tạp. Lặp đi lặp lại các thao tác nhiều lần cho đến khi trẻ có khả năng thực hiện được; cho trẻ tự thực hiện với sự giám sát gần của cha mẹ (đối với những việc có thể gây nguy hiểm như nấu ăn chẳng hạn) và sự giám sát xa (đối với những việc không gây nguy hiểm nhiều như cách tự ứng xử khi có mâu thuẫn với bạn). Giai đoạn này cha mẹ cần can thiệp và tư vấn giải đáp khi con lúng túng trước những sự cố. Khi trẻ đã thực hiện tốt, hãy để trẻ thực hiện độc lập hoàn toàn.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Tại Trường TH Tô Hiến Thành, nhiều HS tự biết phục vụ cho bản thân bằng cách lấy cơm để ăn, ăn xong dọn dẹp khay, chén vào đúng vị trí quy định, thậm chí nhiều em phụ giúp lao công nhặt rác, xếp ghế ngay ngắn… Cô Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường không bắt HS làm nhưng nên khuyến khích các em làm để các em học kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Theo đó, HS sẽ cảm nhận được giá trị công việc, vui mừng trước thành tích của mình. Lớn lên các em dễ dàng chia sẻ công việc với người xung quanh, biết tự phục vụ bản thân, hòa nhập xã hội tốt và tính tự lập cao. |
Bình luận (0)