Cao su thô xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng caoNhiều nhà máy chế biến thủy sản trong nước vài tháng qua thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 50% nhà máy phải sản xuất cầm chừng, nhiều nhà máy phải tạm ngưng sản xuất vì không đủ nguyên liệu chế biến.
Bỏ “cuộc chơi” vì đuối sức
Bà Nguyễn Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết nguyên liệu tại các vùng đánh bắt đã có dấu hiệu cạn kiệt nhưng làn sóng thương lái Trung Quốc đổ sang thu gom vẫn chưa dứt! Ngoài việc thu mua trên biển, trên tàu của ngư dân, họ còn thu gom ngay tại bến, trên bờ và cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp Việt Nam về giá, lượng hàng. “Những tháng đầu năm nay, đã có gần 150 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải bỏ “cuộc chơi” vì đuối sức” – bà Sắc nói.
Cao su thô xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao
Theo ông Nguyễn Điển, Giám đốc Công ty CP Procimex Đà Nẵng, công ty đã chấp nhận mua giá cao nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với thương lái Trung Quốc. Ông Phạm Xuân Nam, Giám đốc Công ty CP Đại Thuận Khánh Hòa, cho biết dù công ty đã tổ chức lại hệ thống thu mua với mạng lưới rộng khắp nhưng cũng chỉ mua chưa được 30% nhu cầu nguyên liệu.
Theo một số chủ doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, thương lái Trung Quốc mua trực tiếp nguyên liệu thủy sản từ ngư dân rồi đưa về nước qua đường tiểu ngạch là nhằm trốn thuế. Bà Nguyễn Thu Sắc cho rằng Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thủy sản từ nhiều năm qua, Việt Nam cũng cần sớm áp dụng biện pháp này để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước.
Lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Tăng mua vỏ xe tải từ Việt Nam
Theo tin từ Bộ Công Thương, từ tháng 6/2011 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trên 15.000 vỏ xe tải nặng do Việt Nam sản xuất. Sở dĩ thương nhân Trung Quốc tăng cường nhập khẩu vỏ xe tải là do giá cao su thiên nhiên hồi đầu năm tăng mạnh nên có phần ảnh hưởng đến ngành sản xuất vỏ, ruột ô tô tại các địa phương của nước này, gây mất cân đối cung – cầu. Từ đó, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển từ kinh doanh, nhập khẩu cao su sang nhập khẩu vỏ ô tô |
Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết nguyên liệu cao su xuất bán sang Trung Quốc theo 2 dạng tiểu ngạch và chính ngạch. Trong đó, xuất tiểu ngạch chiếm khoảng 50%; phần lớn cao su nguyên liệu xuất theo dạng này rơi vào cao su tiểu điền (diện tích nhỏ). Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty CP Cao su Long Bình, xuất khẩu cao su chính ngạch, tiểu ngạch qua Trung Quốc đều có nhưng thương lái Trung Quốc thích mua nguyên liệu cao su thô tiểu ngạch hơn do không phải đóng thuế, cũng không cần phải xin phép và chịu mức thuế nhập khẩu từ phía Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su nước ta than phiền rằng họ không thể nào mua được nguyên liệu cao su trong nước để chế biến mà phải nhập khẩu với giá cao. Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, cho biết doanh nghiệp trong nước khó có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thành viên thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam vì các thành viên này chỉ ưu tiên cho xuất khẩu. Hiện thuế suất xuất khẩu 0%, trong khi tiêu thụ trong nước phải chịu thuế 5%, ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho rằng như vậy là bất hợp lý, không khuyến khích tiêu thụ trong nước.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết hằng năm, lượng nguyên liệu cao su xuất sang Trung Quốc từ 400.000 tấn đến 500.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng. Năm nay, tổng sản lượng khoảng 780.000 tấn, thị trường Trung Quốc “ăn hàng” khoảng 60%. Những tháng cuối năm, phía Trung Quốc tăng mua, tỉ lệ này sẽ lớn thêm.
Do lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên doanh nghiệp xuất khẩu cao su nước ta phải đánh cược với thị trường này. Chẳng hạn, khi giá xuất bán sang Trung Quốc đang tốt và có chiều hướng tăng, nếu bất ngờ phía Trung Quốc ngưng mua hoặc thay đổi chính sách thuế thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại. Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cảnh báo các doanh nghiệp không nên lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này mà cần tìm kiếm, khai thác thêm các thị trường khác…
Nguồn NLĐ
Bình luận (0)