Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thương lái Trung Quốc gom mũ bảo hiểm: Doanh nghiệp cần thận trọng với đơn hàng ‘khủng’

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày gần đây nhiều thương lái thu gom mũ bảo hiểm với số lượng lớn bằng nhiều hình thức khác nhau để xuất đi Trung Quốc. Chuyên gia khuyến cáo, nếu không thận trọng, doanh nghiệp Việt có thể rơi bẫy vào giao dịch “ảo”.
Trên mạng xã hội những ngày gần đây liên tục xuất hiện lời mời chào, tìm kiếm các đầu mối sản xuất mũ bảo hiểm với số lượng lớn. Số lượng người đăng bài thu gom mũ bảo hiểm trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra: Liệu đây có phải là “chiêu trò” mới của thương lái Trung Quốc giống như những lần thu gom lá tre, lá dừa, đỉa, lúa non… như trước đây.
Nhưng tin tìm kiếm đối tác sản xuất mũ bảo hiểm với số lượng lớn được đăng tải nhiều trên mạng xã hội.
Theo anh Sơn, một người chuyên kết nối các mối làm ăn giữa tiểu thương trong nước và thương lái Trung Quốc cho biết, những ngày gần đây thương lái Trung Quốc tung tin săn đơn hàng mũ bảo hiểm với số lượng lớn. Các nhà buôn lớn ở Việt Nam đang đổ xô đi tìm mối để gom hàng với số lượng từ 50.000 chiếc; 300.000 chiếc và có nơi gom đến cả 500.000 chiếc. Các công ty mũ bảo hiểm được tìm đến để đặt những đơn hàng “khủng”.
“Chúng tôi đã kết nối với 2, 3 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phía Nam để lấy báo giá và đặt đơn hàng gần 1 triệu chiếc mũ bảo hiểm cho đối tác Trung Quốc, để chắc chắn chúng tôi đã yêu cầu làm hợp đồng và tiền đặt cọc với giá trị 80% đơn hàng, đảm bảo giáo hàng cho đối tác đúng thời gian và tiêu chuẩn sản phẩm như cam kết. Nếu thuận lợi, đơn hàng được nhận và sẽ bắt tay vào sản xuất để kịp giao hàng”, anh Sơn cho biết.
Tuy nhiên, không giống như anh Sơn, chị Nguyễn Ngọc Nga, giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất mũ bảo hiểm tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, công ty của chị mấy ngày vùa qua đã tiếp nhận rất nhiều điện thoại liên hệ tới để đặt hàng, tuy nhiên chị vẫn chưa quyết định ký kết cung cấp cho đối tác nào.
“Tôi có gọi điện hỏi các đối tác bên Trung Quốc kiểm tra xem thị trường bên đó có thật sự cần nhiều mũ bảo hiệm như vậy không, thì được biết mũ bảo hiểm bên Trung Quốc sản xuất rất nhiều và không thiếu vì năng lực sản xuất của họ rất mạnh và chất lượng tốt. Theo phán đoán, không thể nào thiếu nguồn hàng nón bảo hiểm như tình trạng hiện nay và có thể đây là câu chuyện lợi dụng thời cơ để bán nguyên vật liệu của một số thương lái. Hiện, nguyên vật liệu sản xuất nón bảo hiểm được đẩy giá lên rất cao”, chị Nga cho biết.
Việc thương lái thu mua nón bảo hiểm, bất chấp số lượng, chất lượng, kiểm định đã tạo nên một nhu cầu ảo. Khiến nhiều người tranh nhau mua vào rồi đẩy giá lên để bán, sau đó quay lại đặt hàng sản xuất… Kiểu kinh doanh này khá giống với nhiều thương vụ thu mua lá điều hay rễ tiêu của thương lái Trung Quốc đã từng xảy ra ở Việt Nam trước đây. Hầu hết đều do một nhóm thương lái thâu tóm và tạo nên cơn sốt thị trường ảo.
Theo chị Nga, các xưởng sản xuất nón bảo hiểm nên cảnh giác trước hiện tượng thu mua mũ bảo hiểm một cách ồ ạt như thế này. Có nhiều rủi ro có thể xảy ra như sản xuất không kịp so với hợp đồng, trả tiền theo từng giai đoạn kiểu cuốn chiếu khi nhu cầu kết thúc họ không cần lấy sản phẩm thì nhà sản xuất ôm hàng nhưng nhà cung cấp nguyên liệu thì sẽ đòi tiền. "Tốt nhất là nhà sản xuất nên lấy tiền đủ và nhận số lượng phù hợp với khả năng sản xuất của mình để không bị vỡ hợp đồng", chị nga nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc thương lái Trung Quốc thu gom mũ bảo hiểm ồ ạt trong thời gian ngắn có thể là nhu cầu thật, tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác bởi mũ bảo hiểm là mặt hàng không hề hiếm tại Trung Quốc, họ có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt. Việc thu gom mũ bảo hiểm lớn có thể đã nằm trong kế hoach có chủ đích của thương lái Trung Quốc. Lúc đầu họ đặt mua mũ bảo hiểm rất nhiều, tạo tình trạng khan hiếm ảo, sau cùng họ vẽ để tạo kế hoạch bán các sản phẩm liên quan như nguyên phụ liệu, máy móc.
“Tại thời điểm nền kinh tế chưa thể hồi phục vì Covid-19 như lúc này, các tiểu thương nên cảnh giác với những chiêu trò của thương lái Trung Quốc. Hãy xem lại những bài học đắt giá mà nhiều thương lái đã gặp phải trước đây để đề phòng và nâng cao cảnh giác hơn nữa. Tình trạng đẩy một mặt hàng nào đó thành cơn sốt nhưng sau đó lại lắng xuống rất nhanh nên doanh nghiệp hay thương lái đang có ý định đầu tư thì nên cân nhắc, ông Phong khuyến cáo.
Chính sách giao thông mới của Trung Quốc khiến giá mũ bảo hiểm tăng mạnh
Theo truyền thông Trung Quốc, giá mũ bảo hiểm bắt đầu tăng sau khi Bộ Công an Trung Quốc phát động chiến dịch "Một mũ bảo hiểm, Một dây bảo hiểm" hôm 21/4. Chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ 1.6, yêu cầu người tham gia giao thông trên xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, yêu cầu người lái xe ôtô phải thắt dây an toàn.
Trung Quốc vốn đã triển khai chính sách đội mũ bảo hiểm bắt buộc với người điều khiển xe máy, nhưng đây là lần đầu tiên giới chức yêu cầu người đi xe đạp điện tuân thủ chính sách này. Tuy nhiên, với lượng xe đạp điện cao mà Trung Quốc hiện có, động thái này dẫn tới nhu cầu mũ bảo hiểm tăng cao và thiếu nguồn cung.
Theo dữ liệu chính thức, tính đến tháng 6/2019, có gần 250 triệu xe đạp điện ở Trung Quốc. Nếu tính đến những chiếc xe chưa đăng ký, con số đó có thể lên tới 300 triệu. Tuy nhiên, bởi quy định đội mũ bảo hiểm là không bắt buộc, chỉ có 30% người đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm. Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc có khả năng thiếu 200 triệu mũ bảo hiểm và quy mô thị trường có thể vượt quá 10 tỉ nhân dân tệ.
NT (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)