Chuyện trẻ mầm non, tuổi lên 4, lên 5 đã phải học các phép toán, luyện chữ ở trường không còn là số ít mà đã “phủ sóng” trên mọi miền đất nước (từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi). “Luyện” ở trường chưa đủ, nhiều phụ huynh còn cho con “luyện” ở nhà cô giáo mỗi tối, kể cả ngày chủ nhật. Bệnh thành tích của người lớn khiến cho trẻ nhỏ phải chịu áp lực học tập từ bậc mầm non. Cha mẹ chính là người đánh cắp tuổi thơ của những đứa con mình.
Tuy nhiên, có một số phụ huynh chấp nhận con mình bước vào lớp 1 “lạc đàn”. Họ dạy con “ngược đời” không vì điểm số, không chạy theo bệnh thành tích. Tôi cũng vậy, những đứa con của tôi từng bước vào lớp 1 một cách nhẹ nhàng. Nhiều năm qua, các con tôi cũng học một cách nhẹ nhàng. Người thân đến nhà tôi chơi khá ngạc nhiên vì thấy con tôi học ít. Nhiều người còn phán: “Thầy giáo gì mà kỳ vậy? Lẽ ra con thầy giáo phải học nhiều chứ?”. Kể ra thì dài lắm, tôi nửa đùa nửa thật (và đúc kết thật để mọi người hiểu) rằng, tôi dạy con kiểu… nước ngoài. Hướng con học theo những nước phát triển để con học tập vui vẻ, sống hạnh phúc. Hè này tôi đưa con về quê chơi, hầu như ai cũng hỏi “con tôi học có được xếp loại giỏi không”. Con tôi trả lời có. Còn tôi, nhân tiện khuyên mọi người tránh xa bệnh thành tích. Nhiều người hỏi tôi có cho cháu đi học hè không, tôi trả lời: “Hè để vui chơi, để trải nghiệm, để làm việc nhà”. Nhưng, điều tôi khá bất ngờ là những đứa trẻ vừa “tốt nghiệp” mầm non ở quê, mới nghỉ hè được vài ngày đã đến nhà cô giáo để học tiếp.
Người lớn cứ áp đặt con trẻ, và con trẻ là nạn nhân của bệnh thành tích. Một đứa trẻ mầm non đọc chữ khá rành, làm những bài toán cộng từ đơn giản khá tốt, người lớn tung hô là giỏi, là thần đồng nhưng không biết mình đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ. Thương những đứa trẻ biết mấy!
Hãy để trẻ nhỏ được sống trọn vẹn sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng đúng với lứa tuổi của các em. Người lớn ơi, đừng đánh cắp tuổi thơ của trẻ!
Thái Hoàng
Bình luận (0)