Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thương mại điện tử Việt chưa hưởng lợi mùa dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi Amazon phải tuyển thêm 100.000 nhân viên vì đơn hàng tăng vọt, tại các sàn Việt, trừ khẩu trang và nước rửa tay, hầu hết mặt hàng sức mua vẫn yếu.

Khi dịch bệnh bùng phát, thương mại điện tử là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi và bùng nổ khi mọi người tránh ra đường, ngại tiếp xúc.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam lại đánh giá: "Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào giữa tình hình bùng nổ dịch bệnh và sự gia tăng sức mua sắm trực tuyến".

Số liệu thống kê của SimilarWeb cũng cho biết, lượt truy cập vào 4 sàn lớn nhất thị trường là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo trong hai tháng đầu năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó. Chuyên gia của iPrice lý giải, "đây là do ảnh hưởng ban đầu của Covid-19". 

iPrice phân tích, bên cạnh các sản phẩm liên quan trực tiếp đến du lịch (voucher du lịch, vali, đồ bơi…), thời trang là mảng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhu cầu tìm kiếm nhiều mặt hàng giảm 30-50% so với đầu tháng 1/2020 và chưa phục hồi. Nhóm điện tử, mỹ phẩm không tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng quan tâm hơn trong mùa dịch nhưng là với những mặt hàng thiết yếu chứ không phải tăng trưởng toàn ngành. Về tổng thế, sức mua chung của nền kinh tế đang suy giảm nên nhiều nhóm hàng trên thương mại điện tử cũng giảm như bán trực tiếp, do xu hướng thặt chặt chi tiêu thời dịch bệnh.

Trái ngược với sức mua èo uột của toàn thị trường, một số mặt hàng thiết yếu cho mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay lại giao dịch sôi động.

Sáng 17/2, Tiki cho biết, các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí… Có lúc sàn này ghi nhận 4.000-5000 đơn hàng mỗi phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Tăng trưởng về nhu cầu mua sắm trên sàn này là 15% so với hai tháng cuối năm 2019.

Theo nền tảng so sánh giá iPrice, không chỉ Tiki mà nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nhu yếu phẩm và vật tư y tế trên toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng mạnh. Riêng nhu cầu cho khẩu trang tăng gấp 600 lần, cho nước rửa tay khô tăng gấp 100 lần.

Nhiều nhà bán hàng tung chiêu khẩu trang y tế giá siêu rẻ chỉ 1.000-2000 đồng mỗi chiếc nhưng phải mua kèm với mặt hàng khác như mắt kính, nhẫn, nước rửa tay. Ảnh chụp màn hình ngày 16/3: Viễn Thông

Khẩu trang y tế được rao trên sàn thương mại ngày 16/3 với giá "siêu rẻ" chỉ 1.000-2000 đồng nhưng phải mua kèm với mặt hàng khác như mắt kính, nhẫn, nước rửa tay. Ảnh chụp màn hình.

Bà Nguyễn Trần Bích Ngọc, Nhà sáng lập kiêm CEO EComEasy (ECE) – một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nói: "Nói nôm na, mùa này sẽ có ít nhất 2 người trong một gia đình lên mạng đọc tin về nCoV và tìm mua khẩu trang, chỗ nào giá tốt. Do đó, các sàn tập trung đẩy tiếp thị gấp đôi bình thường để thu hút những khách hàng mới này".

Kiểm soát giá và chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề mà không ít người tiêu dùng quan ngại khi nhiều mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao, đang diễn biến phức tạp. 

Shopee, Tiki, Lazada… cũng đã đưa ra các tuyên bố cam kết kiểm soát chất lượng với các sản phẩm, đặc biệt với y tế phòng chống dịch bệnh như nước rửa tay hay khẩu trang.

"Khi bùng nổ dịch bệnh, chúng tôi không đồng ý việc người bán hàng tự ý tăng giá bất hợp lý các sản phẩm liên quan đến dịch cúm nói chung và sản phẩm y tế nói riêng", ông Tuấn Anh nói. 

Theo ông này, trường hợp Covid-19 ngày càng bùng phát, người tiêu dùng Việt sẽ được khuyến khích hạn chế di chuyển đến những nơi đông người. Từ đó, các trang thương mại điện tử sẽ sở hữu sự thuận tiện trong việc truy cập, mua sắm các mặt hàng thiết yếu ngay tại nhà. ·

Một số nhà bán hàng cũng cho rằng, kinh doanh trực tiếp ế ẩm cộng với tâm lý muốn tận dụng cơ hội với những mặt hàng đang "hot", nên việc đầu tư cho kênh trực tuyến là lựa chọn phổ biến trong tình hình hiện tại. Một số sàn cũng rất nhanh nhạy để hỗ trợ nhà bán hàng như Sendo đang miễn phí bán hàng, còn Tiki điều chỉnh mức hoa hồng vào đầu tháng 3.

Theo Viễn Thông/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)