Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong trường nghề. Đây là cơ hội để người học nghề hiện thực hóa ý tưởng, hình thành sản phẩm và hướng đến thương mại hóa.
Sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM nhận giải thưởng cuộc thi Startup Kite 2022 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức
Học nghề để khởi nghiệp
Trong thời gian học nghề cũng như sau khi tốt nghiệp trường TC nghề, Đại sứ kỹ năng nghề năm 2022 Vũ Hoàng Trinh (Đắk Lắk, thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc ở nghề nấu ăn tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2017) đã làm việc ở nhiều nơi. Thời gian đó, theo Hoàng Trinh là cơ hội vàng để bạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nhằm gầy dựng cơ sở riêng cho mình sau này. Làm thuê hay làm chủ thì cũng cần phải học, học liên tục nếu có cơ hội, có thời gian. Để khởi nghiệp thành công, trước hết chúng ta hãy tập trung học tốt chuyên môn, bởi chuyên môn vững là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại trong chuyện khởi nghiệp. “Nhiều bạn trẻ chưa mạnh dạn khởi nghiệp bởi còn ngại đối diện với thất bại. Tuy nhiên, nếu các bạn đam mê khởi nghiệp, có chuyên môn nhưng chưa thật sự tự tin về thị trường, về xu hướng công nghệ… thì có thể kêu gọi hợp tác với người có chuyên môn hoặc thông qua các cuộc thi khởi nghiệp để gọi vốn. Các anh chị khởi nghiệp đi trước cũng thừa nhận tỷ lệ thành công trong khởi nghiệp chỉ 5-10%. Quan trọng là sau thất bại đó mình sẽ làm gì, bỏ cuộc hay rút ra bài học gì để bước tiếp”, Hoàng Trinh chiêm nghiệm.
Ông Phạm Ngọc Thắng (Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, những năm gần đây nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, học sinh chủ động học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là các em có định hướng rõ ràng ngay từ đầu là học nghề để khởi nghiệp, để làm chủ.
Theo ông Thắng, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi trước đây người học đa phần quan tâm nhiều đến kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi của nhà tuyển dụng. Hiện nay, bên cạnh rèn luyện kỹ năng, chuyên môn và cập nhật công nghệ, người học nghề đã có những ý tưởng hay, từ đó cho ra đời các mô hình, sáng chế hữu ích được ứng dụng phục vụ cộng đồng. Từ ý tưởng ban đầu, không ít bạn trẻ đã kết nối những người cùng đam mê bắt tay thực hiện dự án và xây dựng nên mô hình khởi nghiệp thành công. “Những cuộc thi khởi nghiệp hay sân chơi công nghệ do khoa, do trường tổ chức hoặc lớn hơn là trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các em thể hiện tài năng, qua đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp trong trường nghề”, ông Thắng nói.
Giờ thực hành của học sinh Khoa Cơ khí động lực, Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương
Ông Thắng cho biết thêm, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp – Startup Kite 2022” có 206/1.512 dự án được chọn vào vòng bán kết. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các dự án cũng được nâng lên. Điều này chứng tỏ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều ý tưởng sáng tạo có tính khả thi cao và sẽ được thương mại hóa hoặc khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp công nghệ đang là xu hướng mới
“Những năm gần đây nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, học sinh chủ động học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là các em có định hướng rõ ràng ngay từ đầu là học nghề để khởi nghiệp, để làm chủ”, ông Phạm Ngọc Thắng (Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) nói. |
Ông Nguyễn Trọng Khôi (chuyên gia tư vấn công nghệ thuộc Công ty CP Giải pháp công nghệ TMA) chia sẻ: Đồng hành với các cuộc thi khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên trường nghề, tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo của các em. Những mô hình, sản phẩm nghe qua thì rất bình thường bởi đã có nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, đó là những sản phẩm, mô hình ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT đã khắc phục được các nhược điểm, hạn chế và cải thiện nhiều tính năng, thân thiện môi trường, dễ sử dụng. Điều nữa khiến tôi khâm phục là các em có kiến thức nền tảng vững chắc, bằng công nghệ tích hợp nhiều tính năng trên một sản phẩm. “Về tiêu chí công nghệ, tôi đánh giá đó là một dự án khả thi. Là một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, chúng tôi rất cần những ý tưởng, dự án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu khả thi, chúng tôi sẵn sàng tư vấn, mở rộng ý tưởng, hướng đến sản xuất đại trà và thương mại hóa. Để ý tưởng, dự án được áp dụng thực tế vào đời sống, trường nghề phải là cầu nối với doanh nghiệp. Một dự án được cho là khả thi nhưng chỉ dừng lại ở giải thưởng này, giải thưởng kia mà không biến nó thành tài sản là lãng phí lớn”, ông Khôi gợi ý.
Trần Lê Như Bình (Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM – sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc năm 2022, Trưởng nhóm dự án “Robot tiếp tân bệnh viện – HOSbot”) chia sẻ, từ lúc có ý tưởng đến khi sản phẩm ra đời phục vụ cộng đồng là quá trình không khó nếu tác giả có sự quyết tâm thực hiện. Như Bình nhớ lại: Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, là tình nguyện viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch, tôi nhận thấy nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp tân bệnh viện hàng ngày tiếp xúc với nhiều người bệnh. Từ đó tôi và một số thành viên cùng với sự hướng dẫn của giáo viên bắt tay thực hiện dự án HOSbot, sau đó sản phẩm được ứng dụng tại bệnh viện ngay sau đó.
Ông Nguyễn Anh Thi (Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho rằng công nghệ đang thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu chậm ứng dụng công nghệ, không nắm bắt xu hướng thời đại thì khó mà phát triển. “Khởi nghiệp công nghệ đang là xu hướng không riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, sử dụng công nghệ mới là nhu cầu tất yếu không chỉ riêng ở bất cứ ngành nghề nào. Vì vậy, khởi nghiệp công nghệ đang là một thị trường lớn dành cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu, đam mê công nghệ và có khát vọng chinh phục”, ông Thi định hướng.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)