Tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu làm kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh – Ảnh: Reuters |
Đó là dự đoán được công bố hôm 23.3 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho năm 2009. Theo WTO, các nước phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức suy giảm thương mại dự kiến khoảng 10%, trong khi một số nước nghèo suy giảm từ 2 đến 3%.
Nếu dự đoán của WTO trở thành sự thật, đây sẽ là tỷ lệ suy giảm tồi tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Nguyên nhân được WTO đưa ra không gì khác hơn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy kêu gọi các nước tránh xa con đường bảo hộ mậu dịch, vốn đang có khuynh hướng gia tăng theo nhận định của ông.
BBC dẫn phát biểu của Tổng giám đốc Lamy: “Hàng ngàn việc làm liên quan đến lĩnh vực thương mại đã bị mất đi. Chính phủ các nước cần tránh quay lại các biện pháp bảo hộ để làm cho tình hình xấu hiện nay càng trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp này thực sự chẳng bảo vệ được bất kỳ một quốc gia nào mà còn đe dọa làm mất thêm nhiều việc làm”.
Theo các số liệu được WTO công bố, tình trạng đình trệ thương mại thật ra đã bắt đầu từ quý 2 năm 2008, mặc dù tính cả năm, thương mại toàn cầu vẫn tăng 2%.
Còn trong năm 2007, khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu nổ ra, thương mại toàn cầu vẫn tăng được 6%.
Đến năm nay, thương mại trên khắp thế giới đồng loạt đình trệ nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất là ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, WTO cũng cho rằng việc xuất khẩu từ Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Việt Nam gia tăng trong tháng 2 vừa qua là những tín hiệu khả quan cho nền thương mại toàn cầu.
Theo TNO
Bình luận (0)