Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thương nhân Việt bất ngờ với nhiều quy định mới của Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách mới liên quan đến nông sản Việt Nam.

Trái vải thiều không được để lẫn lộn lá và cuống dài quá 15 cm, dưa hấu không được dùng rơm lót, mít phải gói bằng giấy xi măng sạch… Đây là những quy định mới từ phía Trung Quốc (TQ) đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam (VN).

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương thương nhân VN vẫn không cập nhật thông tin mới từ phía TQ dẫn đến bị thiệt hại nặng.

Xe chở nông sản bị “tuýt còi” tại cửa khẩu

Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết chỉ riêng trong ngày 3-6 vừa qua đã có ba xe chở vải xuất phát từ Bắc Giang khi đến cửa khẩu Tân Thanh bị lực lượng hải quan “tuýt còi”. Tại đây, các xe chở vải được yêu cầu dỡ hàng xuống để cắt lại cuống, bỏ lá và đóng lại bao bì mới có thể tiếp tục cho thông quan. Điều này khiến các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trái vải khá bất ngờ.

Nguyên nhân là do các thương nhân VN thiếu thông tin trước những thay đổi từ thị trường TQ. Cụ thể, kể từ ngày 1-5-2019, theo yêu cầu từ phía TQ, quả vải khi nhập khẩu vào nước này phải cắt cuống ngắn còn dưới 15 cm, bỏ lá, thùng đựng trái vải có chiều cao không quá 38 cm. Ngoài ra các thùng đựng vải có đủ nhãn mác thông tin về sản phẩm, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu trên sẽ bị từ chối thông quan.

Bên cạnh những quy định trên, phía TQ còn yêu cầu tất cả sản phẩm hoa quả của VN muốn xuất khẩu sang thị trường này phải được cấp mã số vùng trồng. Mã số này do doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói và được phía TQ xác nhận tiến hành đóng gói chứ không phải do nông dân tự đóng gói. Đồng thời, tất cả công ty muốn xuất khẩu hàng hóa sang TQ phải được phía nước bạn cấp mã và không phải đơn vị nào muốn xuất khẩu sang TQ cũng được.

“Chúng tôi phải cử người ở lại cửa khẩu để nghe ngóng, nếu phía hải quan TQ có quy định gì mới thì phải báo ngay về địa phương để kịp chuẩn bị và điều chỉnh. Tránh tình trạng xe chở vải đến cửa khẩu rồi lại phải dỡ ra để sơ chế lại, rất tốn công và chi phí của doanh nghiệp” – lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho hay.

Không chỉ quả vải, hàng loạt sản phẩm khác cũng bị siết chặt về tiêu chuẩn khi nhập khẩu vào thị trường TQ. Đơn cử, từ giữa năm 2019 TQ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo từ VN và các nước ASEAN. Cụ thể, gạo VN muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của TQ kiểm nghiệm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, xác nhận: Từ ngày 1-5, có một số quy định mới áp dụng với hàng nông sản của VN xuất khẩu sang TQ. Ví dụ, dưa hấu, chuối, mít mà lót bằng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… không được phép đem vào thị trường TQ vì có nguy cơ lây lan những loại dịch bệnh, vi sinh vật gây hại.

Thương nhân Việt bất ngờ với nhiều quy định mới của Trung Quốc - ảnh 1
Khi xuất khẩu vải sang Trung Quốc phải cắt cuống ngắn dưới 15 cm, không được để lá… nhằm tránh nguy cơ gian lận thương mại. Trong ảnh: Quảng bá vải thiều Lục Ngạn tại Trung Quốc. Ảnh: TRỊNH LAN

Với quả chuối, TQ yêu cầu phải đóng hộp. Với quả mít, yêu cầu bao gói là giấy xi măng sạch sẽ, đầy đủ tem nhãn về truy xuất nguồn gốc. Với dưa hấu, yêu cầu phải dán mã truy xuất nguồn gốc, ví dụ như mã QR code.

“Để có tem này, doanh nghiệp cần đăng ký với các cơ quan thực thi về hoạt động thông tin truy xuất nguồn gốc rồi mua tem nhãn của họ trên cơ sở mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói mà Cục Bảo vệ thực vật đã cấp. Mã QR code có thể dán trực tiếp lên sản phẩm hoặc lên bao bì đóng gói” – ông Hòa cho biết.

 

Đại diện một công ty xuất khẩu nông sản qua TQ cho hay những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường TQ thường qua con đường tiểu ngạch. Tuy vậy, hiện nay chính phủ TQ đã có những thay đổi về chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng con đường chính ngạch như: Thuế suất giảm, không còn chênh lệch giữa đường bộ và đường biển, siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ hồ sơ xuất xứ và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu. 
Thương nhân Việt Nam còn lơ mơ

Ngoài quy định trên, phía TQ còn đưa ra những quy định mới về việc đóng gói, xếp hàng hóa. Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa thông tin phía TQ yêu cầu việc đóng gói phải thuận tiện cho quá trình lấy mẫu, kiểm tra ngay tại cửa khẩu.

Bởi thực tế cho thấy nhiều sản phẩm được đóng gói quá kỹ với nhiều tầng bao bì gây trở ngại cho việc lấy mẫu. Việc sắp xếp cũng cần phải có trật tự, dễ làm, dễ bốc dỡ để tránh hỏng hóc.

“Doanh nghiệp VN phải hết sức lưu ý vấn đề này để tránh hỏng hóc trong quá trình bốc dỡ và để quá trình thông quan được diễn ra dễ dàng. Như vậy khi sang đến thị trường nước bạn cũng không bị ép giá” – ông Hòa nhấn mạnh.

Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý đóng bao bì đúng với sản phẩm bên trong. Tránh tình trạng bao bì ghi loại quả này nhưng khi mở ra lại là loại quả khác. Hiện phía TQ đã gửi thông báo cảnh báo về một số trường hợp như vậy.

Đánh giá chung về yêu cầu của thị trường TQ, ông Hòa cho biết về cơ bản các loại quả xoài, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long của VN đã đáp ứng khá tốt các quy định. “Hiện tại, phía TQ cho biết chúng ta cần hoàn thiện thêm về mặt tem nhãn là ổn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn không chịu cập nhật thông tin, không liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền để làm truy xuất về vùng trồng, cơ sở đóng gói… Chúng tôi đã phổ biến rồi, chỉ là các doanh nghiệp, các địa phương không quan tâm mà thôi” – đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nói.

Hợp đồng theo thông lệ quốc tế để giảm rủi ro

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 106,7 tỉ USD, tăng 13,5%. Trong đó VN xuất khẩu 41,26 tỉ USD, tăng 16,56%; nhập khẩu 65,43 tỉ USD, tăng 11,68%.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại VN tại TQ, lưu ý các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường TQ cần thông qua hệ thống các thương vụ, chi nhánh thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại tại TQ và VN. Qua đó để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại TQ; xác minh năng lực của các doanh nghiệp TQ, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức Internet.

Đặc biệt, theo ông Anh, mọi giao dịch với doanh nghiệp TQ cần thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao. 

Theo Mai Hiền/PLO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)