Không ai nhớ nghề đóng cối xay tre có từ bao giờ. Âm thanh kẽo cà kẽo kẹt của chiếc cối tre xay lúa, ngọn đèn dầu hắt bóng bà, bóng mẹ lên vách hiên nhà một thuở hẳn là hình ảnh khó quên…
Gần trọn cuộc đời gắn với nghề đóng cối xay tre, ông Trường bảo, sẽ giữ nghề cho tới khi còn đủ sức
1. Bước qua tuổi 83, trông ông Nguyễn Trường ở HTX Phương Hải, làng Phương Lang, xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn như một nông tri điền thực thụ. Đôi tay ông thoăn thoắt từng quai búa nện đất sét giữa các thanh gỗ để tạo nên hình hài chiếc cối xay lúa. “Không ai nhớ nghề đóng cối xay có từ bao giờ. Tui là đời thứ 3 trong gia đình mưu sinh bằng nghề đóng cối tre để xay lúa. Cuộc sống lắm lúc thăng trầm nhưng tui chưa một ngày nghỉ đóng cối. Cũng nhờ cái nghề này phụ với ruộng nương mà nuôi được 6 đứa con khôn lớn”.
Năm 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Trường đã theo chân cha và ông nội đi đóng cối xay thuê. Buổi chiến tranh, nghề đóng cối buộc phải khép lại sau những tháng năm loạn lạc đạn bom. Ngày đất nước hòa bình, chàng thanh niên Nguyễn Trường nối lại nghề để mưu sinh, nuôi vợ con.
Cứ mỗi sớm tinh mơ, ông trở dậy ăn vội bữa sáng rồi gánh thùng đồ nghề: đùi vồ, búa, đục, cưa… đi đến các làng quê. Khi thì miệt biển Hải An, Hải Vĩnh, Hải Quế… khi khác lại vào tận các xã phía Đông Nam huyện Hải Lăng. Ở đâu cần thợ cối ở đó có mặt ông Trường. Ngày ấy, để hoàn thành một chiếc cối xay cần khoảng 3 ngày đêm. Ông Trường bảo, để làm được một chiếc cối ưng ý, xay lúa không bị dập nát đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay. Từ khâu chọn tre vừa đủ già để tránh mối mọt cho đến việc chẻ tre, ngâm tre, chọn gỗ chẻ thật mỏng, đều để những khối gỗ khi nện vào giữa hai thớ cối không bị kênh nhau, không bị chệch khiến hạt lúa bể nát. Ngần ấy công đoạn chưa đủ để hình thành nên chiếc cối. “Người thợ phải ra đồng chọn khoảnh đất sét có độ dẻo cao, gánh về phơi khô rồi lấy đùi vồ nện cho đất rã mịn. Đất được sàng qua để đảm bảo chắc chắn không còn những hạt to, tiếp đó trộn đất với muối hạt và nước. Cứ mỗi chiếc cối cần tầm 1kg muối hạt trộn vào đất để nhào nặn cho đất thật dẻo và khi tiếp xúc với nắng nóng không bị nứt. Đó là lý do trong họng cối có rất nhiều đất sét nhưng những hạt gạo được xay qua nó không hề lẫn hạt đất nào. Bên ngoài vỏ cối được trát bởi một lớp đất sét trộn với phân trâu, bò và dây tơ hồng giã nát. Chỉ cần những thứ ấy phối trộn phù hợp, chiếc cối làm ra không hề có đinh, sắt thép nhưng vẫn bền bỉ qua hàng chục mùa lúa”, ông Trường giải thích.
Ông Trường bảo dù khó tìm người nối nghề nhưng ông sẽ giữ nghề cho tới khi nào đôi tay vẫn cầm được cây rựa chẻ tre, cầm được cái đùi vồ nện đất và còn đủ sức xoay được chiếc cối bên hiên nhà. |
2. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề đóng cối vơi dần việc khi dòng điện thắp sáng được kéo về khắp xóm thôn, kèm theo đó là những chiếc cối xay bằng điện ra đời giúp người nông dân đỡ nhọc nhằn với việc xay, giã lúa thủ công như xưa. “Cứ tưởng rứa là đứt nghề. Nhưng một thời gian sau đó, nhiều người làm du lịch ở Huế tìm đến tận nơi đặt mua. Tầm năm 2008, nhiều người làm du lịch, quán cà phê, bảo tàng… cũng tìm đến tận nơi đặt hàng đông hơn. Rứa là tui trở lại với nghề”, ông Trường vui vẻ kể. Thời điểm ấy mỗi chiếc cối đóng xong ông bán với giá 700 đến 800 ngàn đồng, tùy kích cỡ. Nay mỗi chiếc cối làm ra bán giá 2 triệu đồng/chiếc. Ông Trường bảo, ông vui không phải vì ở vào tuổi xưa nay hiếm vẫn có thể tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của mình, không làm phiền đến con cái, mà ông vui bởi nghề truyền thống vẫn được giữ gìn qua bao đận tưởng đứt hẳn.
Hỏi chuyện nối nghề mai sau, ông trầm ngâm: “Tui có tới 6 đứa con nhưng không đứa nào theo được nghề. Nhiều đận đi làm cối, tui dắt con theo nhưng chúng cũng chỉ phụ được khâu đập, sàng đất. Nghề khó nối cũng bởi một phần bây giờ mọi thứ được hiện đại hóa bằng máy móc”. Ngừng giây lát, ông Trường đưa tay xoay mạnh chiếc cối vừa hoàn thành, giọng ông chợt phấn chấn hẳn: “Làm ra những chiếc cối này, cùng khách đặt đến các bảo tàng, điểm du lịch, hàng quán cà phê, mong rằng mỗi khi nhìn thấy nó, du khách sẽ hình dung được cuộc sống của lớp ông cha thuở trước với những sáng tạo trong nhịp sống gắn liền nền nông nghiệp lúa nước quê mình”.
Tôi rời nhà ông tầm ráng chiều, ông Trường vẫn ngồi bên góc sân luôn tay chuốt tre để làm kịp chiếc cối này cho đơn hàng của Ban quản lý Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông nói, dù khó tìm người nối nghề nhưng ông sẽ giữ nghề cho tới khi nào đôi tay vẫn cầm được cây rựa chẻ tre, cầm được cái đùi vồ nện đất và còn đủ sức xoay được chiếc cối bên hiên nhà.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)