Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thưởng tết cho giáo viên: “Nhắc chi cho thêm… buồn”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo viên dạy nhiều nhưng thưởng tết thì chẳng bao nhiêu (ảnh chụp tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1)

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết âm lịch, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, cơ quan rục rịch chuyện thưởng tết cho người lao động. Trái ngược với cái “rục rịch” ở các doanh nghiệp, cơ quan, hiện nay là thời điểm các trường học gấp rút với việc thi cuối học kỳ I. Còn chuyện thưởng tết, “nhắc chi cho thêm… buồn” đó là câu trả lời thường gặp nhất của nhiều giáo viên khi chúng tôi tiếp xúc.
Gần 10 năm không có tiền tết
Chị Minh Huệ về dạy ở Trường Tiểu học T., Q.12 đã gần 10 năm nhưng cũng từ đó đến nay chị và các đồng nghiệp trong trường hầu như không biết “tiền tết” là gì. Chị cho biết: “Ngay đến cả phụ cấp đứng lớp còn bị “ngâm” cả nửa năm học. Tiền dạy buổi thứ hai, học sinh đóng nhiều thì nhận nhiều, đóng ít thì nhận ít. Riêng đối tượng xóa đói giảm nghèo, theo quy định của UBND TP thì sau khi Ban xóa đói giảm nghèo TP cấp bù cho trường, trường sẽ thanh toán cho giáo viên nhưng từ nhiều năm nay chưa bao giờ nhà trường thanh toán cho chúng tôi. Những khoản tiền đáng lý chúng tôi phải được nhận mà còn bị nợ, bị “xù” thì nói gì đến tiền thưởng tết…”.
Nhắc đến chuyện thưởng tết năm 2008, chị Thương – Trường Bồi dưỡng Giáo dục Q.12 bức xúc: “Năm ngoái tết rơi vào ngày 6, 7 tháng 2 (dương lịch), đúng 29 Tết (ngày 5-2) mà chúng tôi vẫn chưa được nhận lương tháng 1. Trong khi đó thông thường chúng tôi nhận lương vào ngày 10 hàng tháng, tháng nào chậm thì khoảng ngày 15. Còn tiền tết ư? Lương còn chưa được nhận thì lấy đâu ra tiền tết…”.
Không chỉ ở Q.12, giáo viên phải “nhịn” tết mà tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện khác. Càng ở những quận ven và huyện ngoại thành thì đời sống giáo viên càng khốn khó. Chẳng hạn như ở huyện Củ Chi, từ nhiều năm nay các thầy, cô ở đây chưa khi nào được nhận một đồng, một cắc tiền tết từ UBND huyện. Một cán bộ ở Phòng GD-ĐT huyện thừa nhận: “Huyện nghèo nên không có tiền tết cho giáo viên mà chỉ có tình cảm, đó là những lời chúc”. Còn ở trường học thì sao? Học sinh ngoại thành phần lớn đều thuộc diện xóa đói giảm nghèo, ngay cả học phí các em còn được miễn thì nhà trường biết lấy nguồn thu ở đâu. Bởi vậy, tiền tết là khái niệm xa vời đối với các thầy, cô giáo ở đây.
Câu chuyện của chị Thu – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè có phần bi hài. Cách đây 2 năm, mặc dù ngày 25 (tháng chạp) đã được nghỉ tết nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn chưa được nhận tiền tết. Mãi đến chiều 27, chị Thu mới nhận được điện thoại thông báo sáng mai xuống trường nhận tiền tết. Mới hơn 6 giờ sáng hôm sau, chị hớn hở chạy xe từ Gò Vấp xuống Nhà Bè để lãnh tiền. Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng chị và mọi người cũng nhận được tiền. “Tưởng năm nay thưởng nhiều, ai ngờ cũng chỉ có 300 ngàn đồng (trong đó 200 là của thành phố cho, 100 của huyện cho), còn trường cho một phần quà trị giá 50 ngàn đồng. Nhưng tệ nhất là trên đường về xe bị thủng ruột, lạng quạng tí xíu thì lủi xuống ruộng. Nhận được 300 ngàn đồng, sửa xe hết gần 100 ngàn. Càng nghĩ càng chua chát…”, chị Thu nhớ lại.
Thiệt thòi đủ đường

Không chỉ dạy “cái” chữ mà giáo viên còn phải chăm cả miếng ăn cho học sinh nhưng tết đến thì không ai quan tâm đến các cô

Từ nhiều năm nay, mức thưởng tết thấp nhất của các doanh nghiệp, cơ quan khoảng 5 – 6 triệu đồng. Có nhiều đơn vị lên tới 40 – 50 triệu đồng, cá biệt có nơi lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu so sánh với mức thưởng 200 – 300 trăm ngàn đồng của một giáo viên thì quả là một trời, một vực. Chị Thanh Hà, giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh tâm tư: “Không cần phải so sánh với những ngành nghề khác, chỉ cần so với các trường ngoài công lập cũng thấy rõ sự thiệt thòi của giáo viên trường công. Tết vừa rồi, em gái tôi dạy ở một trường quốc tế được thưởng cả chục triệu đồng, trong khi tôi chỉ được 500 ngàn đồng”.
Kể cũng lạ, đều là người lao động, làm việc 8 tiếng/ngày, thậm chí giáo viên mầm non phải làm 10 tiếng, trình độ học vấn như nhau nhưng thu nhập của giáo viên bao giờ cũng thấp. Không chỉ tiền tết thấp mà ngay cả lương cũng thấp. Vì đâu nên nỗi?
Nhiều hiệu trưởng cho biết, do trường học là đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu nên cuối năm không biết lấy đâu ra kinh phí để thưởng tết cho giáo viên. Bà Ngô Ánh Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 12, Q.Tân Bình cho biết: “Vì trường hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính nên phải tự thân vận động. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm gần tết là ban giám hiệu lại đau đầu vì không biết lấy tiền ở đâu để thưởng cho giáo viên. Gần 2 năm trở lại đây, những cán bộ – giáo viên thuộc biên chế đã được ngân sách thành phố và quận lo, còn những người chỉ ký hợp đồng với trường thì… trường lo. Tết năm ngoái, mỗi cán bộ, giáo viên biên chế được thưởng 500 ngàn đồng. Bởi vậy nhà trường cũng phải thưởng cho những người không thuộc biên chế 500 ngàn đồng. Thế là lại phải cắt chỗ này, xén chỗ kia mỗi nơi một ít để thưởng cho họ. Đến nay đã gần một năm rồi mà kế toán cũng chưa biết giải trình với phòng tài chính của quận về khoản chi này như thế nào, nên vẫn cứ để treo lơ lửng…”.
Nếu dạy ở nội thành, vào dịp lễ tết, có thể giáo viên còn được phụ huynh “chăm sóc” nhưng dạy ở ngoại thành, vùng ven thì khoản này coi như không có. Chị Thanh Phương, giáo viên Trường TH Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè cho biết: “Phụ huynh ở đây nghèo lắm, nhà nào có điều kiện thì cũng chỉ có thể biếu thầy, cô được chục trứng vịt để ăn tết. Nhưng những trường hợp như vậy cũng hiếm lắm, mà phần lớn là giáo viên tặng quà tết cho học sinh. Thấy học sinh quá khó khăn, giáo viên mua cho cái quần, cái áo hay bịch bánh kẹo để vui tết”…
Bài & ảnh: Hòa Triều

 

 

Một cái tết lại chuẩn bị tới, hàng ngàn giáo viên lại trăn trở không biết lấy đâu ra tiền để vui xuân.

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)